Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

Chương 81


Trước Tiếp
Trước Tiếp

Mảnh đất trống bên cạnh quán ùn ùn xe tải nối đuôi nhau chở vật liệu đến đổ móng, anh Thịnh nói "bên cạnh mở quán karaoke."

Ôi trời ơi! Thời buổi cạnh tranh tàn khốc! Mới hôm bữa anh Hùng còn mơ tưởng "thâu tóm toàn bộ mảng ăn chơi ở huyện" mà hôm nay chỗ đất rộng tới nỗi đạp xe giãn háng mới tới cuối đường đã hì hục mở tiệm kinh doanh mặt hàng ca hát y chang rồi.

Tôi sốt ruột, như đứng đống lửa tựa ngồi đống than, chỉ mong mau hết giờ làm để đạp đi méc anh Hùng thôi. Đất vừa to vừa ngay mặt đường quốc lộ thế này thì đúng là đối thủ đáng gờm.

Nhưng còn chưa kịp đi mách lẻo thì thấy anh Tuấn Minh theo xe chở đá tới, còn quẳng cho tôi một tập thiết kế, nhờ tôi góp ý.

Câu này nghe quen quen.

Bên tình nghĩa, bên hiếu đạo, phải chọn bên nào đây?

Anh Tuấn Minh có công dạy võ uốn nắn cho tôi từng chút một, thiên vị rõ ràng giữa cả mấy lớp mấy chục người. Nhưng anh Hùng cũng vô cùng tốt, lại còn là vị cha hờ kính yêu trên trường bao che tội lỗi cho tôi nữa chứ.

Tôi khóc ròng trong lòng, bắt đầu suy xét lấy Tuấn Anh làm trung tâm.

Tuấn Anh có đi học võ nhưng 80% là thầy Khương dạy còn anh Tuấn Minh thì chắc chắn không, bởi vì anh ấy trước đây ở ngoài Bắc, thi đấu xong mới về đây sống. Vậy tôi sẽ theo phe anh Hùng, bởi vì khi Tuấn Anh còn ở đây thì chắc chắn thân thiết với anh ấy, tôi đã tận mắt chứng kiến.

Đang định từ chối đẩy về thì nhìn xuống thấy ảnh in bên ngoài bìa trông cứ quen quen. Đây chẳng phải là phối cảnh mà tôi từng xem qua bên công ty anh Hùng hay sao? Chỉ khác là quán của anh Minh cao hơn thôi.

Khoan đã!

Tôi dùng hẳn ngón tay mà đếm, 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10.

"..."

À...

Hiểu rồi.

Không nể nang tình nghĩa gì nữa, tôi hỏi: "Tại sao anh lại ăn cắp bản thiết kế?"

Tuấn Minh: "..."

Anh ấy nghệt mặt ra mất một lúc rồi xông tới gõ lên đầu tôi một cái.

Tôi ôm đầu xuýt xoa, anh Tuấn Minh đang định nói gì đó thì giọng anh Thịnh chạy xộc tới trước cả hình dạng của anh ấy.

"** má! Sao mày đánh nó? Chán sống rồi à?"

Tôi sợ anh Thịnh vì bảo kê đàn em mà gây sự với người ta nên quay đầu vào can. Nhưng chưa đi được nửa bước thì anh Tuấn Chinh cũng vội vàng chạy chân đất, kéo tay tôi ra xem xét, nhíu mày hỏi: "Sao tự nhiên em đánh thằng An? Có đau lắm không An? Bỏ tay ra anh xem nào? Có chóng mặt mắc ói không?" Mấy lời hỏi han nhẹ nhàng phía sau là dành cho tôi.

Anh Thịnh ra tới nơi thì cũng không có trận ẩu đả nào diễn ra như tôi tưởng tượng.

Anh Tuấn Minh cười hề hề, nói: "Tao lỡ tay."

"Mẹ mày thằng chó đẻ!" Anh Thịnh chửi đổng lên: "Mày có đếm hết số lần mày lỡ tay khiến người ta nhập viện luôn không?"

"..."

Vốn dĩ tôi cũng không đau lắm nhưng nghe đến đây thì thấy đầu ê ê, có dấu hiệu rối loạn triều đình rồi.

Hình như vết thương trầm trọng lắm nên anh Tuấn Chinh còn lấy cả điện thoại ra chụp hình, "Im lặng hết đi! Tao đang quay đấy!"

Tôi đẩy ra, "Sao phải quay ạ?"

"Quay cho em nhìn." Anh Tuấn Chinh mỉm cười.

Tôi cũng buồn cười, lắc đầu, "Không, em không cần xem đâu." Anh ấy còn đang chĩa máy vào mặt tôi đây này. "Em... em nhìn gương cũng được mà."

Xoay qua xoay lại một hồi, tôi mới rõ hoá ra mọi người đều quen biết nhau. Thị trấn này đúng là nhỏ mà, ngay cả bản vẽ cũng không phải anh Tuấn Minh ăn trộm mà anh ấy chính là một trong những người hùn vốn làm ăn. Các đại gia còn lại có cả anh Thịnh và anh Tuấn Chinh nữa.

Đúng là Trái Đất hình tròn có khác.

Nhưng cũng đúng thôi, nhà giàu thường chơi chung với nhau mà. Có tiền mới hùn nhau cùng làm ăn được chứ cỡ như nhà tôi thì chả ai muốn làm cùng. Như Tuấn Anh mà còn ở đây thì lấy một tỷ đang để tạm chỗ tôi ra, biết đâu cũng có thể góp một tay xây thành mười một tầng cũng nên. Nhưng mà Tuấn Anh đang còn bé, không biết mọi người có đồng ý không nữa? Chuyện làm ăn của anh Hùng trên này, chưa chắc cậu ấy đã biết nữa là.

Quen biết với nhau hết thế này thì tôi càng phấn khởi, vậy là không cần phải chia ra từng tốp nữa mà mời tất cả các anh ấy đến nhà tôi ăn cơm Tất niên một lần luôn. Còn anh Hùng thì mẹ vẫn chưa biết có mối quan hệ gì với tôi, nhưng nếu biết anh ấy giúp đỡ tôi rất nhiều khi lên đây học thì mẹ sẽ nhiệt tình chứ không hỏi sâu rằng tại sao giúp hay giúp chuyện gì đâu. Tôi sẽ về kể khoa trương phóng đại tình cha của anh ấy lên gấp mười lần cho mẹ mừng.

Nhưng bữa ăn cuối năm đó lại không được vui vẻ trọn vẹn như tôi tưởng tượng.

Có lẽ số tôi vẫn còn xui xẻo. Như thể những gì mình cố công vun đắp đều sẽ không được diễn ra suôn sẻ.

Mẹ biết sức thanh niên trai tráng ăn khoẻ nên còn nhờ cả thím và cô lên nấu phụ. Dì thì nay không làm nên đi uống cà phê với bạn, trưa sẽ quay về ăn.

Cô tôi thẳng tính giống ông nội, nói: "Không xúm vào phụ một tay thì tí về trên kia luôn đi chứ quay lại đây làm gì?"

Dì mỉm cười, "Nay nghe nói có mấy anh chủ tiệm bida, chủ tiệm gỗ gì đấy mà, toàn là ông chủ tuổi trẻ tài cao nên em tạt vào xem mặt mũi ra sao thôi chứ ăn uống gì."

Cô tặc lưỡi, "Chính mồm cô nói đấy. Tí không cho ngồi vào mâm đâu. Tốn cơm tốn gạo."

Dì bĩu môi, lắc lư bộ váy ngắn sành điệu mà mang theo hương nước hoa rẻ tiền thúi rình đi mất.

Mãi tôi mới ngưng hắt xì được.



Cô vỗ lên mông tôi một cái, nạt lên: "Cái thằng này, thấy người ta trang điểm đẹp lồng lộn là chạy ra ngắm hả? Không biết đang bị xoang sao? Hít một hồi cho nhức cái mũi luôn đi!"

Tôi xoa xoa mông, "Cháu lớn rồi, đừng có đánh vào mông nữa! Với lại thế mà gọi là đẹp à? Như cô đây mới gọi là đẹp nè~"

Cô lại phết cho tôi thêm một cái vào đít, nói chuyện giọng điệu y chang bà nội: "Cha bố anh! Lớn với ai? Ghê thật! Người trưởng thành có khác, dẻo miệng thế không biết! Đi lên dốc lấy bánh mì nhanh."

Lúc từ lò bánh trở về, cách nhà mấy chục mét đã thấy đám đông tụ tập trước cửa nhốn nháo, xôn xao, có người còn bê cả tivi nhà tôi ra tận ngoài cửa. Tôi vội vàng dựng xe rồi chạy tới giữ đồ cùng em Bình, qua vài đợt mắng chửi, giằng co dữ dội mới biết nhà mình bị siết nợ. Tôi nghe mà bủn rủn hết cả người, tay chân toát ra mấy tầng mồ hôi lạnh. Xưa giờ ba tôi báo nợ cũng không phải lần một lần hai nhưng đều là tự ông ta về nhà thông báo hoặc bị tạm giam thì gom tiền lên nộp phạt rồi chuộc về chứ chưa bao giờ có chủ nợ nào kéo người đến thế này.

Mẹ tôi khóc rấm rứt, nghẹn ngào nói "sống đời mệt mỏi, thà chết cho xong."

Lòng tôi đau thắt lại.

Tôi không thể oán trách mẹ được, mẹ tôi có nhiều nỗi lòng mà con trẻ nhìn bề ngoài chẳng thể thấu hiểu nổi. Cứ cam chịu mãi thế này thì cuộc đời mẹ là khổ nhất chứ không phải tôi. Nhưng mẹ sinh ra trong một gia đình trọng nam khinh nữ, bà ngoại lại mất sớm, sau này qua mai mối gặp được ông bà nội mới biết thế nào là có được tình thương của bậc trưởng bối. Tôi biết, nhiều đêm mẹ cũng âm thầm khóc, hỏi ông nội xem có thể đồng ý cho mẹ từ bỏ con trai ông hay không... Nếu cha ruột của tôi có nghề nghiệp ổn định tự nuôi bản thân, chắc mẹ sẽ không đắn đo nhiều năm như thế. Người ta thường chỉ trích người phụ nữ cam chịu là nhu nhược, nhưng tôi lại thấy mẹ mình hẳn phải vô cùng mạnh mẽ lắm mới sống cứng cỏi một tay quán xuyến được cái nhà này.

Người đến rất đông, cũng chưa làm ra hành vi đập phá gì nên tôi xuống nước năn nỉ, cho gia đình tôi thêm thời gian, hứa ra Tết sẽ cố gắng trả đầy đủ. Ít ra cũng cố vuốt xuôi để họ đi về trước khi mấy ông anh tới. Tôi đã dặn đi dặn lại 11 giờ hẵng đến nên vẫn còn khoảng hai tiếng nữa để thương lượng.

Một gã đàn ông trẻ tuổi vứt tàn thuốc xuống gần chân tôi rồi tiến tới di mũi giày lên, cười khẩy: "Nhóc con! Bố mày không trả nổi đâu. Ra Tết tất nhiên vẫn phải trả dần dần nhưng hiện tại tất cả bàn ghế, tủ tiếc..." gã vung tay, nói tiếp: "...cả cái quán này tao sẽ tịch thu bằng sạch."

Gã vỗ tay lên không trung hai tiếng rồi phẩy tay, ra hiệu cho người tiếp tục tiến tới khuân đồ. An Bình thấy tôi bị xô đẩy lảo đảo thì hét lên: "Đừng có động vào anh tao!" rồi buông tay khỏi ghế gỗ, chạy về phía này.

Chúng tôi chỉ có hai anh em, quả thực ngăn chặn thế nào cũng không nổi, chỉ còn cách năn nỉ mà mãi họ cũng không xuống nước. Hỏi ra mới biết, cha tôi vay nóng tiền đi đánh số, nợ hơn ba trăm triệu đồng rồi. Tai tôi lùng bùng, không thể tin nổi.

Cô tôi hỏi: "Giấy trắng mực đen đâu? Tự dưng nhảy tới nói nợ là người ta phải trả hả?"

Gã cười cười, chỉ vào ba tôi đang ngồi co ro trong góc nhà, "Con chó kia mới thú nhận? Bị điếc hay gì mà không nghe?" Còn giơ cao lên một bản giấy viết tay mượn nợ của ba tôi cho mọi người nhìn rõ.

Mẹ tôi chấm nước mắt, sụt sịt can ngăn: "Các chú thương tình, có gì từ từ nói, để ra năm thư thả rồi tôi làm tôi trả."

Cô tôi nói vọng vào trong nhà: "Thằng nào nợ, thằng đó trả. Chị cứ nai lưng ra gánh hoài rồi người ta ỷ lại."

Mẹ tôi lắc đầu, "Chị còn cách nào sao? Không trả thì bà trong đấy cũng phải trả. Lâu nay ông mất rồi, kinh tế chỉ dựa vào lương hưu, còn liên luỵ tụi em nữa. Chị cũng ngại."

Cô thở dài, nhìn vào trong nhà ngán ngẩm lắc đầu.

Ba tôi hét ra: "Con ranh! Mày nói ai là thằng? Của chồng công vợ. Nếu tao mà thắng thì tiền cũng xài cho cái nhà này. Lúc đấy còn chửi tao nữa không?"

Mẹ quát lại: "Ai mướn ông kiếm tiền bằng cách này hả? Khốn nạn!"

An Bình cũng nói vào, "Có mà đem nuôi gái hết! Ăn rồi phá không! Bố ai mà chịu nổi!" Nói rồi quay sang bên chủ nợ: "Mấy người thích thì bắt ông ta đi làm ở đợ, dọn cứt, phụ hồ gì đấy rồi trả nợ dần dần, cái nhà này không liên quan đến ổng. Lần này không trả hộ nữa."

Gã nhếch miệng cười, vỗ vai An Bình: "Tao thấy mày ăn nói với bố đẻ xấc xược, rất có tiềm năng, hay là đi theo tụi tao đòi nợ thuê?"

Tôi chắn trước mặt em Bình, vội vàng nín nhịn xuống giọng: "Em ấy đang còn nhỏ nên mới không chú ý lời nói, mong các chú bỏ qua cho, còn số tiền nợ thì cứ thư thả vài hôm cho nhà cháu ăn Tết xong đã..."

"Mày được ăn Tết thế tụi tao thì sao?" Còn chưa để tôi nói hết thì mấy gã đã ngắt lời: "Bọn tao cũng cần ăn Tết. Hôm nay nhất định phải thu được phân nửa, không thì dọn hết đồ lên xe tải cho tao."

Dứt lời thì vung tay lên muốn hất tôi sang một bên nhưng cánh tay bị người vừa tới bất ngờ bẻ oặt ra sau lưng, còn nghe được cả tiếng khớp xương kêu răng rắc. Gã càng chống cự thì càng bị ghì chặt, rên lên oai oái.

Tôi sững sờ, phần nhiều vẫn là xấu hổ, không ngờ mấy anh ấy lại đến sớm như thế.

Chuyện xấu trong nhà... để người ta chê cười rồi.

Anh Hùng trút bỏ khuôn mặt hiền hoà thường ngày, trở thành dáng vẻ hung hãn vốn có, gằn giọng lớn tiếng: "Khương, mở cốp lấy cái kìm ra cho tao! Tao bẻ răng từng thằng một xem chúng mày muốn ăn Tết thế nào."

Tụi anh Thịnh hùng hổ xuống xe xông tới, cả thằng Kiên cũng quen cửa quen nẻo rút cái dùi cui dưới ghế ô tô lao vào hỗn chiến, trước nhà tôi bắt đầu nháo nhào, hàng xóm không xem trò vui nữa mà hùa nhau chạy hết về nhà, còn hô hoán "đánh nhau to rồi". Duy Dương với Khánh đều bị bố mẹ cầm chổi quát về, không cho ra phụ vác đồ cùng em Bình nữa. Kiên đi làm mới mấy tháng mà dường như chững chạc bỏ xa bạn cùng xóm cỡ cả năm tuổi mất rồi. Tình hình vô cùng hỗn loạn, tôi không biết phải bắt đầu can từ đâu.

Bên chủ nợ đông đảo hơn nhưng tình thế vô cùng lép vế, nửa bị đánh đến nằm rạp còn một nửa chạy tuốt luốt sang bên hàng rào đứng ngó về.

Làm sao mà đánh lại được. Anh Thịnh, các anh làm ở quán bida với anh Tuấn Chinh hầu như ngày nào cũng luyện tập giãn cơ thư giãn tay chân với khách hàng. Thầy Khương và anh Tuấn Minh thì khỏi nói, đều xuất thân là dân võ, đi dạy chỉ là phụ, kinh doanh chuỗi phòng tập thể hình, võ thuật, boxing đủ thể loại mới là chính. Còn anh Hùng thì... cứ nhìn cách anh ấy vừa chế trụ người vừa dang tay nhấc chân táng hai ba tên cùng một lúc là biết.

Cảm xúc trong lòng tôi bây giờ khó tả vô cùng.

Rõ ràng mình là người sai, có nợ không trả, bên kia cũng chưa làm ra hành động du côn gì trừ việc tự tiện ôm đồ đạc nhà tôi chất lên xe, ấy vậy mà bây giờ thành ra bên tôi cố ý gây thương tích cho người khác mất rồi. Sai càng thêm sai.

Tôi rối rắm đến nỗi An Bình nhảy vào đánh đấm túi bụi mà cũng quên mất không giữ em ấy lại.

Chỉ đến khi thấy cô tôi hồng hộc chạy từ nhà dưới lên, hét toáng: "Tụi bay muốn đem thằng Bình đi đâu? Có nợ nần gì thì bây lên phường mà nộp đơn kiện, nào có đạo lý ở đâu ra tự ý lấy đồ của người ta gán nợ." Sau đó không biết lôi cái chày ở đâu ra, gõ 'BOONG' một cái vào vai anh Hùng.

"..."

Tôi sực tỉnh lại, vội vàng chạy tới ngăn chặn cú đấm sấm sét của anh Hùng đang chuẩn bị giáng xuống đầu cô.

"Đừng! Anh Hai đừng có đánh!"

"An tránh ra!" Anh Hùng lạnh mặt, vuốt ống tay áo lên cao để lộ hình xăm dữ dằn, "Em không nghe câu 'giặc đến nhà đàn bà cũng đánh' hả?"

"..."

Đúng là có câu này nhưng có phải anh hiểu sai sai ở chỗ nào rồi không?

Bạn của Tuấn Anh có khác, nói bậy bạ y như cậu ấy vậy.

"Không phải giặc. Đây là..."

Còn chưa để tôi giải thích, anh ấy nhanh gọn cắt lời: "Địch hay ta?"

Thế mà thay vì nói đây là cô mình thì tôi đáp dõng dạc "ta" liền.

Anh ấy nghe vậy thì hạ tay xuống, tay còn lại vẫn không quên tóm người tiếp tục tẩn.

Cô chỉ cái chày qua vai tôi, chiếu thẳng lên mặt anh Hùng: "Tết nhất cũng không để cho người ta yên! Ai nợ thì đòi người đó! Thích thì vào trong kia lôi ổng ra muốn đánh muốn đập thì tuỳ. Bỏ hết đồ đạc xuống không tui báo công an đó. Tụi bây là quân ăn trộm ăn cướp hả?"

"..."

Tôi vội vàng giải thích: "Không phải không phải! Đây là bạn cháu mà. Là mấy ông anh giúp đỡ cháu, hôm nay đến nhà mình ăn cơm đó."

Cô tôi trợn trắng mắt, nói huỵch toẹt: "Cháu có chắc không? Sao trông còn giống đầu gấu hơn bọn côn đồ kia nữa."

Tôi: "..."

Anh Hùng: "..."

Mọi người: "..."

Tụi anh Thịnh nghe thấy vậy thì đều dừng tay, đứng ngay ngắn lại nhưng chân thì nghiến xuống người nằm bên dưới.

Tôi nhìn mấy anh ấy ai cũng mang giày thể thao, mặc áo sơ mi trắng tinh tươm, một bộ dạng giả ngoan đến không thể nào ngoan hơn thì dở khóc dở cười.

Lại một lần nữa vội vàng phân bua: "Mấy anh ấy tốt bụng cực! Đây là tình thế ép buộc, gọi là cái gì nhỉ? À, ra tay tương trợ bạn bè." Tôi vừa nói vừa kéo ống tay áo của anh Hùng xuống, "Mấy cái này là hình xăm nghệ thuật của thanh niên thời đại mở cửa thôi." Chắc vậy nhỉ?

Cô tôi hạ cái chày xuống thấp hơn.

Mẹ tôi biết mặt gần hết nên cũng ló đầu ra nói giúp: "Ừ, toàn là người tốt đấy Huyền Chi ơi! Thầy giáo rồi anh em nó trên thị trấn cả đấy! Tối nào cũng thay phiên nhau đưa nó về tận nhà. Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong! Trông... trông giống giang hồ vậy thôi chứ... chứ chắc không phải giang hồ đâu... An nhỉ..." Càng nói giọng càng nhỏ dần.

"..."

Thực ra con cũng không chắc nữa mẹ ơi...

Nhưng lời phát ra lại kiên định: "Vâng ạ! Các anh ấy đều là công dân lương thiện đàng hoàng hết mà."

Tụi anh Thịnh lại loạt xoạt hai ba cái, giũ sạch tay áo sơ mi đang sắn cao xuống. Cười rạng rỡ chào hỏi mẹ tôi.

Cô tôi cuối cùng cũng cười xoà, giơ cái chày gỗ lên chìa ra trước mặt anh Hùng, "Này, cho mượn đấy."

Anh Hùng: "..."



Anh ấy buông người ra rồi đứng ngay ngắn lại, hất hàm hỏi tôi: "Ai đây?"

"Dạ, đây là cô của em." Lại bổ sung: "Cô ruột của em."

Anh Hùng gật đầu, giật lấy cái chày rồi chỉ vào trong nhà, chỗ mẹ với thím đang đứng tránh nạn, yêu cầu: "Cô đi vào trong kia!"

Tôi: "..."

Cô này hay là cô kia? Ngoại hình lẫn tuổi tác của cô tôi còn trẻ hơn anh ấy lận mà?

Quả nhiên cô tôi cũng há hốc miệng, nói: "Ê, bộ nhìn tui già lắm hả? Trông mặt anh còn giống ông cố của tui hơn đấy!"

Anh Hùng: "..."

Mọi người không nhịn được cười. Tôi hắng giọng một cái nhưng cũng không kiềm nổi phải phì cười thành tiếng.

Anh ấy nhíu mày trừng tôi rồi quay sang bình tĩnh nói với cô: "Cháu gái này, đi vào trong kia đứng giùm cái! Muốn hàn huyên thì tí nữa chú cháu mình còn nhiều thời gian, chú ở đây tiếp chuyện cháu đến tối cũng được."

Khuôn mặt cô tôi cứng đờ, sắc da chuyển dần sang ửng hồng thấy rõ, đùng đùng giậm chân bỏ vào nhà. Tôi nhìn theo mà thấy... thấy trạng thái này quen quen.

Anh Hùng túm cả An Bình đang đứng cười toe toét thảy vào trong quán, còn nói với tôi: "An đứng vào bên trong kia cho tụi anh nói chuyện."

Tôi ngoan ngoãn vâng lời.

Sau một hồi nói chuyện 'Bụp Bụp, Bộp Bộp, Á Áu Ứ Ớ' thì một gã gào lên, nếu không đem được tiền về thì phải xin ba tôi một ngón tay út, hôm nay không cắt thì ngày sau chặn đường bất ngờ sẽ không tha.

Tôi nuốt nước miếng 'ực' một cái. Đến đoạn giống giang hồ hàng thật giá thật rồi. Nhưng vẫn ôm lấy vai mẹ mà vỗ nhẹ, tôi đang đặt niềm tin vào các anh ấy.

Mẹ tôi hỏi: "Họ có làm thật không vậy?"

Cô tôi hét ra: "Cho tụi bay cả người ổng luôn đấy! Cứ đem hết đi cho rảnh nợ!"

Tôi: "..."

Có anh trai như thế này chắc cô tôi cũng mệt mỏi lắm. Nghe cô kể hồi nhỏ chẳng ai dám gọi ba tôi thức dậy cả vì bị nắm đầu dộng vào tường hoặc đạp thẳng lên bụng đến bầm tím, nên toàn để ba tôi ngủ trương thây, khi nào đói thì tự bò dậy ăn sau, ăn xong ném đó cho cô chú dọn dẹp. Thời xưa toàn anh chị nuôi em nhưng nhà cô là em nuôi lại anh. Ông bà ngày trẻ làm công nhân viên chức nên không có nhiều thời gian ở nhà, khi về hoạ may bắt gặp con cái hư thì lôi ra đánh một hai trận, ban đầu thành niên cũng ngoan mới dám cho đi lấy vợ, không hiểu sao già đầu lại thành cái bộ dạng này.

Nhưng không biết tôi có đặt niềm tin nhầm hay không mà anh Hùng đùng đùng xông vào nhà túm gáy ba tôi, lôi xềnh xệch ra sân.

Anh ấy đặt cái chày nãy giờ gõ hết công suất lên kệ bánh rồi ấn tay ba tôi ép xoè xuống cái bàn gỗ mà mẹ tôi bán bún ăn sáng, sau đó rút trong túi quần ra một vật. Tôi hít ngược một hơi dài vì biết rõ đó là con dao bấm.

Giọng anh ấy dứt khoát: "Mày khỏi chặn! Đem hộp lại đây, tao gói tay cho mày mang về!" Nói rồi ấn nút bấm, lưỡi dao bén ngót bật ra ngoài phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh.

Ba tôi gào toáng lên, nước mắt giàn giụa.

"Đừng!!!" Tôi sợ hết hồn, la thất thanh, thấy anh ấy thật sự vung tay thì vội chạy nhanh tới. Lúc này tôi thực sự không nghĩ được gì, chỉ là... dù gì ông ấy cũng là cha ruột của tôi... nếu khuất mắt thì coi như xui, ổng tự làm tự chịu, còn hiện tại... tôi chỉ hành động can ngăn bộc phát theo bản năng.

May mà khi đến nơi thì thấy lưỡi dao cắm mạnh xuống giữa ngón áp út và ngón út của ba tôi. Lúc anh ấy buông tay, con dao vẫn còn găm xuống mặt bàn, rung lên bần bật.

Đám mẹ tôi trong nhà nãy bị hoảng nên ngồi thụp xuống sàn, bây giờ lại lồm cồm bò dậy lau mồ hôi lạnh. Cơ thể tôi cũng lạnh toát, tim đập thình thịch như muốn thoát ra ngoài. Rõ ràng là ghét người đang khóc bù lu bù loa cay đắng nhưng khi đến thời khắc biết ông ấy sẽ bị thương trước mắt mình thì tim đứng muốn cứng cả lại.

Tôi cứ đứng thở hồng hộc, không nói được câu nào. Anh Tuấn Chinh đến vỗ vai tôi nhè nhẹ, ghé vào tai, thầm thì: "An à, đừng sợ! Anh Hai chỉ hù thôi. Anh ấy chuyên nghiệp lắm, sẽ không làm cha em bị thương đâu."

Chuyên nghiệp?

"Mày..." Anh Hùng đang đà nói với ba tôi, chợt liếc tôi một chút rồi đổi xưng hô: "Ông biết sợ chưa?"

"Bie... biết biết biết sợ rồi... hu hu hu" Ba tôi khóc lóc, răng va vào nhau lập cà lập cập.

"Lần sau còn dám cờ bạc cá độ nữa không?"

Ba tôi lắc đầu nguây nguẩy.

Tôi không biết lần này có thật sự sợ hay không nhưng trong quá khứ cũng từng xin lỗi, hứa với ông nội y chang như thế này. Rồi đâu lại đóng đấy.

Anh Hùng nói An Bình và Kiên đóng cửa quán lại, không cho mẹ tôi nhìn ra nữa. Xong xuôi rồi mới rút con dao lên, trở đầu cán lại rồi dộng một cú xuống mu bàn tay ba tôi khiến ông ấy tru lên thất thanh.

Giọng cô tôi gào ra xuyên qua lớp cửa gỗ cũ kỹ: "Chặt thêm ngón bên kia cho biết sợ! Để tay chân lành lặn rồi có chịu làm ăn gì đâu!"

Anh Hùng: "..."

Anh hỏi tôi: "Cô em làm nghề gì vậy? Đồ tể à?"

"..."

Tôi hết sạch căng thẳng, đáp: "Cô làm giáo viên." Lại cười cười, bổ sung: "Dạy Ngữ văn với Giáo dục công dân."

Cả đám anh Thịnh đều buồn cười.

Anh Hùng phì cười rồi quay lại chuyện chính, gõ cán dao lên mặt ba tôi, gằn giọng: "Vì ông là cha đẻ của An nên hôm nay sẽ châm chước một lần. Nhưng lần sau nếu còn tái phạm thì sẽ mất cả bàn tay chứ không phải một ngón đâu. Hiểu chưa? Làm gì thì làm, đừng liên luỵ vợ con."

Ba tôi gật đầu lia lịa. Nói thêm một hồi, anh Hùng mới nói An Bình mở cửa cho ba tôi vào nhà, "Em cũng vào trong luôn đi. Anh nói chuyện với tụi này một lát rồi vào sau."

Tôi lắc đầu: "Em không vào. Đây là chuyện nhà em mà."

Anh ấy nhìn tôi chằm chằm giây lát rồi không phản ứng gì nữa, chắc là ngầm đồng ý. Đang nói dở dang thì cả An Bình cũng đi ra, đứng sóng vai bên cạnh tôi, cùng nhau nghe trộm người trong giang hồ bàn luận.

Tôi đã có tính toán của mình, vốn dĩ tôi muốn thương lượng xin dời ngày trả nợ qua năm mới, nhân tiện có chuyện động trời này thì thuyết phục mẹ ly hôn, bán nhà chia ra làm đôi, mẹ một nửa, ba một nửa, từ nay trở đi đường ai nấy sống. Chúng tôi sẽ thuê một căn nhà nhỏ ngay dốc cũng gần trường, như vậy thì tôi tan học sẽ về thẳng nhà phụ mẹ buôn bán chứ không học võ nữa. Nhưng nói qua nói lại một hồi, nợ nần chẳng thấy còn bao nhiêu nữa.

Tụi anh Hùng đánh cảnh cáo có chiến thuật nên chẳng có ai bị thương nặng, chỉ trầy xước ê ẩm ngoài da. Anh ấy không hỏi ba tôi nợ bao nhiêu, làm gì mà nợ, cũng không điều tra chi tiết gì cả mà chỉ hỏi bên đó làm việc cho ai. Sau khi nhận được câu trả lời thì anh Hùng bấm điện thoại, đi ra gốc cây trứng cá vừa hút thuốc vừa nói chuyện.

Lúc này tôi mới nhớ ra lời của Hiếu, bạn ấy nói "tụi xưởng cưa toàn là dân giang hồ đâm thuê chém mướn đòi nợ..."

Lúc anh Hùng vào thì đưa điện thoại cho gã đầu đàn, gã đi ra gốc cây si nói chuyện một lát, gật đầu lia lịa. Tôi mải nhìn thái độ của gã nên không biết dì về hồi nào, chỉ khi bị hắt xì bởi một mùi gay mũi thì mới thấy dì ấy ngồi vắt chéo trên cái bàn mẹ tôi bán hàng ngay bên cạnh anh Hùng rồi. Tôi liếc sang thấy dì cứ nhìn chằm chằm lên sườn mặt anh ấy thì trong lòng khó chịu.

Người này tôi đã chấm cho cô mình rồi.

Không biết dì có ý gì không nhưng tính tôi nhỏ mọn, vội vàng sấn tới nói thầm với anh Hùng: "Anh Hai, sau lưng là địch."

Anh ấy đang hạ giọng nói chuyện với thầy Khương, nghe thấy lời tôi thì bật cười lắc đầu nhẹ, sau đó khoác vai thầy đứng xa xa rồi mới bàn tiếp.

Anh Thịnh đi tới hỏi: "Rồi đây là ai mà vô duyên quá vậy? Cái bàn nhà người ta để buôn bán mà bà nội này vào ngồi tỉnh như ruồi."

Dì tôi mỉm cười, cũng không đứng dậy mà nói nhẹ nhàng: "Em là người thân nhà An, nãy giờ đi cao gót đau chân quá nên em ngồi nghỉ xíu thôi."

Tôi nói nhỏ: "Bàn mẹ cháu bán hàng mà, dì xuống đi để người ta đánh giá kìa!" Sau đó quay lưng về phía dì ấy, gật đầu cười sượng: "Họ hàng nhà em đó anh Bi." Sau đó nháy mắt một cái. Không biết anh ấy có hiểu ý tôi hay không nhưng nghe xong thì 'hừ' nhẹ rồi không đoái hoài gì nữa. Tôi cũng không ưa gì bà dì hờ này nhưng hôm nay là ngày vui mà một mình ba tôi đã phá hỏng phân nửa rồi, không muốn vì dì mà lời qua tiếng lại gây phiền nhiễu tới các anh ấy nữa.

Anh Tuấn Chinh cũng hắt xì cùng một lượt với tôi, anh Tuấn Minh hỏi: "Má! Mùi gì nồng dữ vậy trời?"

An Bình trừng dì, nói: "Thấy chưa? Đã bảo đi vào nhà rồi, xức cái quái gì trên người mà đi tới đâu là nghe mùi thúi rình tới đó. Chỗ toàn đàn ông con trai mà mặc cái váy ngắn tới háng không biết ngại!"

Tôi nhịn cười rung hết cả vai, mãi mới giả vờ quát cho có lệ: "Bình!"

Bình thấy tôi bặm môi nín cười đến đỏ cả mặt thì cũng vui vẻ cười sảng khoái.

Anh Tuấn Chinh hỏi: "Em trai em hả?"

Tôi gật đầu lia lịa, "Vâng ạ. Em ấy tên An Bình, là em trai ruột của em đó. Thương em lắm!"

Anh Tuấn Minh khoác vai An Bình, cười cười: "Nãy giờ thấy thằng nhóc này chiến lắm đấy! Hợp với nhóm tụi anh!"

"Cho em vào nhóm với!" An Bình hớn hở.

"Bình!" Tôi lại la thêm lần nữa. Biết cái gì mà đòi vào nhóm chứ! Tí tuổi đầu mà toàn thích nói chuyện lang bạt giang hồ thôi. Nó là thành viên cộm cán ở không biết bao nhiêu cái nhóm rồi, đa số toàn chơi với mấy anh lớn, hèn gì về nhà toàn nói chuyện như ông cụ non. Nghe tôi kể xong thì ai cũng cười. Anh Thịnh nói mồng 5 tôi không cần đạp xe lên tiệm, hai anh em cứ ở nhà ăn mặc đẹp rồi anh ấy sẽ tới rước đưa lên phố chơi. Hôm qua tôi đã nhận lời rồi, hôm nay nghe các anh ấy mời cả em trai mình thì phấn khởi vô cùng, ném sạch sẽ âu lo sáng giờ ra sau đầu.



"Cho em đi theo với. Nghe nói phố mình đô thị hoá đẹp lắm! Em chưa lên đó bao giờ." Dì tôi ngọt giọng lên tiếng.

Tôi không thấy ai phản ứng gì nên cũng mặc kệ luôn.

Anh Tuấn Chinh rủ: "Mai mốt Bình rảnh thì theo anh An lên thị trấn chơi, anh bày cho chơi game."

Tính Bình nhà tôi không biết khách sáo, nó lắc đầu: "Em không thích chơi game, nhức đầu lắm. Thời gian rảnh em toàn ra đồng làm này làm kia bán lấy tiền thôi. Anh có công việc gì làm ra tiền không thì cho em làm? Em muốn kiếm nhiều tiền nuôi anh trai học đại học."

Tôi đỏ mặt, lại quát nhẹ: "Bình!"

"Có." Anh ấy gật đầu ngay lập tức, "Lên trông tiệm net cho anh. Hồi xưa tính rủ anh em nhưng mà bị thằng Bi nẫng tay trên mất rồi ấy chứ. Thỉnh thoảng anh vẫn phải nhờ anh em sang trông hàng giùm đây."

Thấy Bình hớn hở thì tôi đập tay nó, quay sang từ chối: "Nó đang học cấp hai ở đây mà, làm trên tận trấn xa lắm. Anh cứ kệ nó nói linh tinh đi, mai mốt nó lên cấp ba thì tính sau."

"Linh tinh đâu mà linh tinh..."

An Bình đang nó dở câu thì tôi nhéo bắp tay nó một cái: "Em ấy! Lo mà học hành cho đàng hoàng đi. Rớt tốt nghiệp là anh đánh đòn thật đấy. Muốn làm thì để lên cấp ba."

Vừa dứt lời thì gã chủ nợ quay lại vỗ tay hai tiếng tụ tập đàn em, chỉ khác là lần này cười hề hề, "Nhầm lẫn cả thôi, nhầm lẫn cả thôi! Hai cháu trai đừng để bụng nhé!"

"..."

Thái độ thay đổi nhanh đến chóng mặt. Mới khi nãy còn gọi tụi tôi là "mày" cơ mà? Với lại người đừng nên để bụng là bên chủ nợ mới đúng. Rõ ràng là đến đòi lại tiền của mình mà lại bị bên con nợ... à, chính xác là bạn của con trai của con nợ dần cho một trận. Tuy rằng đánh "chuyên nghiệp" không khiến ai bị thương nhưng đau thì chắc chắn có nên mới la oai oái rồi bỏ chạy thục mạng chứ. Như vậy là quá mất mặt!

Chú ơi, mình đừng thay đổi tác phong được không? Phải hùng hổ, oai phong, lẫm liệt lên mới giống người đi đòi nợ.

Tôi đứng lên phía trước, nhưng còn chưa kịp hé miệng để hỏi chuyện đầu đuôi rõ ràng thì anh Hùng kéo bắp tay thảy tôi về sau, cứ như chuyện rắc rối này là của nhà anh ấy vậy. Nếu anh ấy tầm tầm hơn tôi chỉ hai, ba tuổi thì tôi có thể nói anh ấy lui về được. Nhưng hiện tại, dáng anh ấy cao lớn đứng che chắn trước người tôi, cách anh ấy chững chạc điềm tĩnh xử lý mọi chuyện như nắm rõ trong lòng bàn tay khiến cho lòng tôi chua xót.

Trên nhân gian, mọi đứa trẻ có được tình yêu thương ấm áp từ cha mình sẽ có cảm giác như tôi lúc này hay sao?

Đây là lần thứ ba trong vài tháng ngắn ngủi, tôi cảm nhận được tình cảm thiêng liêng này. Mặc kệ cho nó có phải do tôi ảo tưởng mà ra hay không, hiện tại tôi cứ muốn tham lam ỷ lại dựa dẫm.

Tôi đứng yên lặng lắng nghe, nhưng khi biết được tiền nợ chỉ có hơn chín triệu đồng thì ngạc nhiên vô cùng.

"Chính miệng ba em thừa nhận gần ba trăm triệu mà anh Hai?"

Tôi không hỏi chủ nợ mà kéo tay áo anh Hùng, vì biết chắc chắn anh ấy đã nói gì đó hay thương lượng thế nào thì bên kia mới thay đổi số tiền như vậy.

Anh Hùng vỗ vai tôi, gật đầu nhẹ, giọng chuyển sang ôn hoà: "Ừ, đấy là tiền lãi. An đi vào trong kia với đám anh Bi đứng cho khỏi nắng, anh hút thuốc."

"Dạ." Tôi gật đầu đồng ý, biết là anh ấy cần nói chuyện riêng.

Tôi vẫn còn hoang mang, hoảng hốt. Tiền lãi gì mà gấp cả mấy chục lần như thế? Đúng là ăn cướp mà!

Vậy sao ba tôi lại viết giấy tay cam đoan có nợ tận nhiêu đó? Hèn chi chủ nợ ngày càng giàu còn con nợ nghèo càng thêm nghèo. Lãi như thế này thì trả cả đời mất thôi. Bảo sao thằng Kiên còn kể anh nó bị dí mấy lần muốn nhảy cầu tự tử cho xong.

Trong lúc hai người trao đổi đời sống giang hồ qua lại thì đàn em của chủ nợ lại lần lượt khiêng đồ đạc không đáng mấy đồng của nhà tôi xuống.

Có anh đi tới đặt cái bàn ủi lên ghế, cười tủm tỉm nói: "Cả nhà được mỗi cái xe máy giá trị nhất thì may mà em lấy đi rồi đấy. Chứ xe mà còn ở đây ngay từ đầu thì có khi ổng lấy mỗi xe với tivi đem đi là xong luôn rồi."

Tôi chớp thời cơ, hỏi: "Anh là dân giang hồ à?" Làm tụi anh Thịnh phía sau cười phá lên ha ha ha.

Mặt tôi nóng rần nhưng không nhịn được vẫn muốn nghe câu trả lời. Tình hình càn quét không coi ai ra gì thế này thì ai mà không nghi ngờ cơ chứ.

Thế mà anh đó cũng không nghiêm túc cho tôi đáp án để cuộc đời tôi đỡ mông lung, chỉ cười toe toét bảo: "Anh là dân dang nắng." Rồi thoăn thoắt đi mất.

Thầy Khương thấy tôi nghệt mặt ra thì chọc ghẹo thêm, "Chắc là giang nắng làm hồ đó." Nói rồi quay sang An Bình: "Mở cửa ra đem đồ vào xếp lại thôi Bình."

Mọi người còn đem cả trái cây, gà vịt, giò lụa giò thủ, đủ các loại thịt chất đầy ba cốp xe hơi. Nói là biếu mẹ với ông bà nội ngoại của tôi ăn Tết.

Tôi cảm động muốn khóc luôn.

Các anh ấy đối xử với tôi như người trong gia đình vậy. Còn quên cả việc che đậy hình xăm mà xắn tay, xắn chân lội xuống sân giếng làm gà.

Tuấn Anh mà biết tôi có bạn tốt thế này chắc là yên tâm lắm.

Tuấn Anh ơi, năm mới sắp đến rồi, chúc cậu trải qua một năm nữa bình an, hạnh phúc bên gia đình nhé!

Đợi tất cả rời khỏi, tôi kéo anh Hùng sang bên hông nhà hỏi lại cho rõ ràng, xác nhận năm lần bảy lượt chắc chắn ba mình nợ khoảng mười triệu đồng thì mới an tâm. Tôi nói, đây là lần đầu tiên nhà gặp cảnh này nhưng anh ấy lắc đầu, "Tụi nó nói đã đến đây cảnh cáo hai lần rồi nhưng có thể mẹ và em trai giấu em thôi."

Nghe đến đây thì tôi xấu hổ mà cúi đầu, định nói với anh ấy một chuyện quan trọng nhưng cổ họng cứng đờ, không mở miệng nổi.

Anh Hùng xoa đầu tôi, nói: "Không phải lỗi của em, đừng suy nghĩ nhiều."

Tôi nắm chặt tay, Tuấn Anh cũng từng nói với tôi những lời này.

Nghĩ đến cậu ấy từng đưa tôi ra mắt tụi anh Hùng là vì muốn tôi được an toàn khi ở đây thì trong lòng tôi càng dâng lên cảm giác quen thuộc. Cứ như thể cậu ấy xuyên qua không gian thời gian đang dõi theo tôi từng ngày vậy. Rõ ràng anh Hùng không liên lạc với cậu ấy nhưng tôi lại luôn có cảm giác này. Vậy là lại không thấy ngại nữa.

"Sẽ không ai đến phá nhà em làm ăn nữa đâu. Anh đảm bảo."

Tôi không nhịn được, hỏi dồn dập: "Tại sao anh gọi điện một cái là họ giảm hết nợ vậy? Có phải anh là giang hồ không? Anh là dân đòi nợ thuê à? Lâu nay anh luôn hoạt động trong tổ chức ngầm của đời sống chợ đen sao? Anh quen biết, thâu tóm hết các băng đảng Mafia trong huyện mình ư?"

Anh Hùng: "..."

Trước Tiếp
Trước Tiếp

Domain.com đổi tên miền thành Domain.tv

Bình luận (0)

Truyện liên quan

box-chat