Cửu Thiên Tuế - Tú Sinh
Chương 35
Đoàn người đi hết đêm đến ngày, lấy trời làm màn lấy đất làm chiếu. Cuối cùng, sáng sớm ngày thứ tư, bọn họ đến thành Thái Nguyên.
Bởi vì nạn dịch hạch bùng phát, xung quanh thành vô cùng tiêu điều. Mấy thôn xóm dọc đường đều đóng kín cửa, trên đường không một bóng người.
Từ sau khi không giấu được dịch bệnh ở Sơn Tây nữa, Chu Vi Thiện đã bị giam vào ngục. Thế nhưng, hậu quả của tội ác do ông ta gây ra vẫn chưa thể giải quyết hết được.
Để che giấu dịch bệnh, Chu Vi Thiện không chỉ sai quan binh đốt xác người chết bệnh mà còn ra lệnh thiêu sống tại chỗ tất cả những người có dấu hiệu mắc bệnh như phát sốt, ho khan, nổi hạch ở cổ.
Chính vì thế, mặc dù tạm thời khống chế được bệnh dịch nhưng lại khiến vô số người còn sống kinh sợ.
Chu Vi Thiên đã vào ngục, thành Thái Nguyên không còn đóng chặt cửa nữa, song không có người nào dám ra vào. Bên trong thành, không có người nào trên đường. Thỉnh thoảng có vài người đi lại, bọn họ đều che kín mặt, vội vàng bước qua.
Binh sĩ bảo vệ thành làm việc tắc trách. Lúc đoàn người Ân Thừa Ngọc tiến vào, không có binh lính nào quan tâm đến.
Ân Thừa Ngọc cau mày, nhìn quanh quất khắp phố phường vắng tanh.
Hơn một nửa số cửa hàng trong thành mở toang cửa, nội thất bên trong lộn xộn, có lẽ là bị cướp. Chắc hẳn chủ nhà đã gặp nạn, không có ai trong nhà.
Cũng có một số nhà đóng kín cửa. Khi đi ngang qua, y nghe thấy tiếng động bên trong. Nếu quan sát cẩn thận, có lẽ sẽ thấy có một đôi mắt nhìn chằm chằm bọn họ qua khe cửa.
Cả một thành Thái Nguyên tuy còn người sống nhưng lại giống hệt như thành chết.
Nhìn nhỏ biết lớn, trong thành còn thế này thì mấy vùng khác càng khó khăn hơn. Đó là chưa nói đến việc nạn dịch hạch xuất hiện chưa đến một tháng.
Thiên tai tuy đáng sợ, nhưng nhân họa (tai họa do con người gây ra) cũng chẳng kém.
Ân Thừa Ngọc dừng bước, quay sang dặn dò:
- Đi điều tra xem nạn dịch hạch bắt đầu xuất hiện từ khi nào? Ở đâu? Huyện, thôn hay nhà nào? Cố gắng tra rõ cho ta.
Nghe thế, Tiết Thứ đáp:
- Đã sai người đi nghe ngóng xung quanh. Có người nói dịch bệnh xuất hiện ở thôn họ Vương thuộc huyện Thanh Nguyên trong địa phận phủ Thái Nguyên. Trinh thám dò xét vội vàng nên không rõ tình hình cụ thể.
Không ngờ hắn chu đáo đến thế, Ân Thừa Ngọc tán thưởng nhìn hắn. Đoạn, y leo lên ngựa:
- Tốt lắm, chúng ta đến đó tra xét lại.
Đoàn người lại lên ngựa, ra khỏi thành, vội vã chạy đến huyện Thanh Nguyên.
Lúc đến thôn họ Vương, mặt trời đã đứng bóng.
Ân Thừa Ngọc đứng ở cửa thôn, nhìn xung quanh. Toàn bộ thôn xóm nhuốm màu tang thương, không có tiếng côn trùng, tiếng chim hót và cả dấu chân người. Tiếng vó ngựa không nhỏ, thế nhưng không có người nào bước ra xem thử.
- Thôn họ Vương là nơi phát hiện bệnh dịch sớm nhất, vậy ở đây có ai còn sống không?
Nhận lấy khăn tay thái y đưa, Ân Thừa Ngọc che mũi lại. Rồi y bước vào. Vừa vào đến bên trong, thấy nhà cửa đổ nát hai bên đường, y sầm mặt.
- Hẳn là có.
Tiết Thứ đi theo y, đoạn dừng lại trước một căn nhà, vươn tay sờ vào chốt cửa. Thấy không có nhiều bụi trên ngón tay, hắn mới gõ cửa:
- Có ai không? Chúng tôi muốn hỏi thăm chút chuyện.
Hắn gõ vài cái lại gọi vài tiếng nhưng không ai trả lời.
Ân Thừa Ngọc đang định nói có thể không có ai trong nhà thì thấy hắn gõ mạnh hơn, đổi thành giọng hung tợn:
- Quan binh đến kiểm tra dân đinh đây. Mở cửa mau, nếu không chúng tôi sẽ phá cửa.
Hắn vừa dứt lời, bên trong nhà vốn im ắng chợt có tiếng động nhỏ. Một hồi sau, cửa mở hé, một nông dân tầm bốn, năm mươi tuổi thò đầu ra ngoài, trên mặt đầy hồi hộp và sợ hãi:
- Quan phụ mẫu ạ. Nhà chúng tôi chỉ còn mỗi mình tôi thôi. Tôi không nhiễm bệnh, không phát sốt, không ho khan.
Nghe thấy tiếng đập cửa và giọng của Tiết Thứ, ông tưởng rằng có quan binh tới bắt người.
Ân Thừa Ngọc thầm thở dài, bảo Tiết Thứ lui ra đằng sau để y nói chuyện.
- Chú à, chúng tôi không đến bắt người. Nghe nói thôn họ Vương phát hiện dịch bệnh sớm nhất nên chúng tôi đến hỏi thăm tình hình.
Nghe y nói không tới bắt người, người nông dân thở phào, đoạn than thở:
- Hỏi thăm gì nữa? Còn có ai đâu, chết hết rồi. Cũng tại nhà ở đầu thôn đắc tội Chuột tiên, chúng tôi cũng không thoát được.
Dường như thấy nhóm người Ân Thừa Ngọc mặc quần áo sang trọng, ông khuyên nhủ:
- Mấy cậu chạy nhanh đi, nếu Chuột tiên tức giận thì các cậu chết chắc.
Nói xong, ông định đóng cửa lại.
Ân Thừa Ngọc đưa tay chặn cửa rồi quay sang ra hiệu Tiết Thứ lấy túi lương khô ra:
- Chúng tôi không có ý xấu. Bên trên đang tìm cách trị dịch bệnh, phái chúng tôi đi hỏi thăm nơi bắt nguồn. Bởi thế, chúng tôi mới tìm tới đây. Xin chú giúp đỡ chút, nói cho chúng tôi những gì chú biết, không chừng có thể giúp được gì đó.
Vừa nói y vừa kín đáo đưa túi cho người nông dân.
Sơn Tây vốn đang gặp nạn đói, bây giờ lương thực được sánh ngang với vàng bạc châu báu. Người nông dân nắm chặt túi lương khô, hơi do dự rồi mới mở cửa, nhưng vẫn đứng sau cửa ngó ra nói với bọn họ:
- Ôi trời, không giấu giếm gì các cậu, nhà Vương Đại Tráng phát bệnh đầu tiên. Cả nhà bọn họ chết mất mấy người, còn lại mỗi một quả phụ và thằng con trai choai choai. Tôi nghe trong thôn nói đó là bởi vì bọn họ dám lén ăn thịt chuột, đắc tội Chuột tiên. Chuột tiên giận lắm nên giáng bệnh lạ xuống nhà bọn họ. Uầy, còn làm liên lụy đến mấy nhà giúp làm tang sự nữa chứ. Tôi nói các cậu nghe, không bao lâu sau khi về nhà, mấy người đó ai cũng nhiễm bệnh hết. Một truyền mười, mười truyền trăm, sau này cả nhà chết sạch. Có người còn đến y quán trong thành xem bệnh, đại phu nói chưa từng gặp loại bệnh này bao giờ, không có cách trị. Không quá hai ngày sau, nghe nói mấy thôn khác và trong thành đều có người mắc bệnh. Quan phụ mẫu đi khắp nơi bắt người, nói cái gì mà thiêu cháy người bệnh là Chuột tiên sẽ bớt giận.
Người nông dân nhận được lương khô, thành thật nói hết. Cho dù Ân Thừa Ngọc hỏi gì, nếu biết ông đều trả lời.
Cuối cùng, thấy không hỏi thêm được gì nữa, Ân Thừa Ngọc mới hỏi thăm đường đến nhà Vương Đại Tráng. Hỏi được rồi, y và Tiết Thứ dẫn người đi tìm.
Theo lời người nông dân, cả thôn họ Vương chỉ còn lại bốn, năm gia đình, tổng cộng hơn mười người.
Một nửa thôn dân chết vì đói hoặc dịch bệnh, số người còn lại ngoại trừ mười người nói trên đã bị quan binh đưa đi vì có dấu hiệu bệnh, không thấy ai quay về.
Còn lại mấy người bọn họ phải lấy trộm lương thực hàng xóm cất giấu mới miễn cưỡng sống được.
Đoàn người đến nhà Vương Đại Tráng. Tiết Thứ đang định gõ cửa thì thấy cửa mở ra. Một thiếu niên chừng mười lăm, mười sáu tuổi đứng sau cửa nhìn bọn họ:
- Các anh nói chuyện ở nhà chú Vương, tôi nghe thấy hết rồi. Các anh muốn hỏi gì? Đưa đồ ăn trao đổi.
Thiếu niên da ngăm đen, vóc người rất cao nhưng lại quá gầy, hai má hóp sâu. Mặc dù vẻ mặt hung ác nhưng là để hù người ta thôi. Nếu quan sát cẩn thận sẽ thấy nó đang run cầm cập.
Không phải vì sợ, chắc là vì đói.
Ân Thừa Ngọc đưa một túi lương khô cho nó. Thiếu niên không ăn mà chỉ nói "chờ" rồi cầm túi vào trong.
Xuyên qua cánh cửa khép hờ, Ân Thừa Ngọc thấy thiếu niên lấy chén xuống, đổ nước vào ngâm lương khô cho mềm. Xong xuôi, nó bưng chén vào buồng trong. Ân Thừa Ngọc không nhìn thấy được tình hình bên trong. Hồi lâu, y chợt nghe thấy tiếng phụ nữ gào khóc, nói mấy chữ "Chuột tiên", "báo ứng" gì đó. Sau đó có tiếng cãi nhau ầm ĩ và tiếng chén bát rơi vỡ.
Một hồi sau, bên trong mới im ắng hẳn. Đợi một lúc, thiếu niên bưng chén mẻ ra. Nước trong chén đã đổ hết, chỉ còn mấy miếng bánh bột ngô mềm nhũn. Miếng bánh dính chút bụi đất, chắc là đánh rơi rồi nhặt lên.
Thiếu niên kia không ngại ngùng gì, nó ăn ngấu nghiến mấy miệng bánh. Đoạn, nó qua loa lau miệng, đi ra cửa, ngồi xuống:
- Các anh muốn biết gì? Hỏi đi."
Ân Thừa Ngọc không để ý đến chuyện nó vô lễ, dịu dàng nói:
- Có thể nói rõ tình hình nhà cậu không? Tại sao nhiễm bệnh? Chuột tiên là chuyện gì?
Nghe thấy mấy chữ "Chuột tiên", thiếu niên cười lạnh:
- Anh đừng nghe mấy người trong thôn nói bậy. Chuột tiên gì chứ, hù người ta thôi.
Trên mặt nó đầy tức giận, thở phì phò hồi lâu mới kìm lại được. Rồi nó nói đến chuyện nhà mình.
Mùa xuân năm nay hạn hán không có mưa, lại thêm nạn châu chấu. Hoa màu trong ruộng mất mùa.
Khắp Sơn Tây hứng chịu nạn đói, bao gồm thôn họ Vương.
Nhà Vương Đại Tráng trên có cha mẹ, dưới có năm đứa con, cả nhà tổng cộng chín miệng ăn. Cứ như thế ngày qua ngày, nhà bọn họ càng khó khăn hơn nhà khác rất nhiều.
Thiếu niên, hay còn gọi là Vương Châu, vì khỏe mạnh nên quyết định vào núi, tìm kiếm rau dại hoặc thú hoang để ăn.
Lần này nó đi hẳn hai đêm. Thế nhưng thú hoang trên núi đã bị săn hết sạch, nó vất vả hai ngày cũng chỉ tìm được chút rau dại. Nó mệt mỏi không chịu nổi nữa, đành quay về nhà. Về đến nhà, Vương Châu phát hiện em trai em gái không la hét đòi ăn nữa. Nó đi hỏi cha mẹ mới biết được vợ chồng Vương Đại Tráng tìm được rất nhiều hang chuột bên ngoài thôn. Bọn họ vốn chỉ muốn tìm hang chuột xem có lương thực chúng nó tích trữ cho mùa đông hay không, thế nhưng bên trong hang lại chỉ có một ổ chuột con chưa mở mắt.
Hai vợ chồng đói lắm rồi, nhớ đến trước kia nghe người ta nói chuột con là một món ăn nổi tiếng, bọn họ bèn lén mang ổ chuột về, nấu với rau dại làm canh uống.
Song, không có nhiều chuột con lắm, ăn hết là không còn. Hai vợ chồng mới nghĩ chuột con ăn được thế thì chuột lớn cũng vậy. Thế nên, bọn họ đi bắt một con chuột lớn về.
Tuy trong thôn mất mùa cơ mà vẫn có rất nhiều chuột, chính vì thế, cả nhà Vương Đại Tráng ăn thịt chuột để tạm lấp đầy bụng.
Lúc Vương Châu về nhà, bọn họ đã ăn hai ngày rồi.
Một bao chuột sống được đặt trong góc phòng bếp, bọn họ tiết kiệm có lẽ đủ nuôi sống cả nhà.
Đâu ai ngờ, hai ngày sau khi Vương Châu về nhà, ông nội bà nội nó nằm liệt giường, trên cổ nổi hạch lớn. Sau đó em trai em gái cũng sốt cao hôn mê, cả người nổi đầy hạch.
Nhà bọn họ cuống quýt đi mời đại phu chân đất trong thôn đến bốc thuốc. Song, uống thuốc vẫn không khỏi. Đến tối hôm sau, hai ông bà già qua đời. Chưa kịp làm tang sự, mấy em trai em gái lần lượt nôn ra máu, chết trong cùng một ngày.
- Cha tôi là người chết cuối cùng. Người trong thôn đều nói là vì nhà bọn tôi ăn thịt chuột, đắc tội Chuột tiên nên mới gặp tai họa, liên lụy đến thôn. Lúc trước là mẹ tôi bắt chuột về, bà bị sốc, điên rồi.
Vương Châu nắm chặt tay, mắt đỏ hoe:
- Nhưng mà không chỉ có nhà tôi ăn thịt chuột! Sau khi nhà tôi có chuyện, cũng có mấy nhà liên tiếp mắc bệnh, chính mắt tôi thấy có người cầm một túi đựng chuột ném ra sau núi. Nếu không phải đói quá, ai lại đi ăn thịt chuột đâu? Nếu vì lý do này mà Chuột tiên hại chết nhiều người, vậy còn gọi là tiên gì nữa chứ?
Vương Châu che mặt, rầm rì khóc.
Ân Thừa Ngọc im lặng nhìn nó, không nói nổi lời an ủi.
Dường như Vương Châu nghẹn lâu lắm rồi, dần dần gào khóc lớn lên. Một hồi sau, nó mới giơ tay áo lên lau nước mắt, nghẹn ngào:
- Tôi nói hết rồi, không còn gì nữa.
Ân Thừa Ngọc cho nó thêm một túi lương khô nữa, mở miệng định an ủi nhưng nhận ra bây giờ có nói cái gì cũng cứng nhắc quá. Sau cùng, y mới ngập ngừng:
- Cố gắng lên, Cô...chúng tôi sẽ mau chóng nghĩ cách, không để thế này nữa.
Vương Châu nhận lấy lương khô, cũng không biết có tin hay không. Nó nói cảm ơn y, đoạn đi vào trong.
Không còn tiếng người nói, thôn họ Vương im ắng lại như lúc đầu.
Yên lặng một hồi lâu, Ân Thừa Ngọc là người đầu tiên đi ra ngoài.
Lúc đến cửa thôn, y quay đầu hỏi thái y đang đi theo:
- Không cần tin chuyện quỷ thần, Chuột tiên chỉ là chuyện bịa đặt thôi. Nhưng những thôn dân nhiễm bệnh đầu tiên đều đã ăn thịt chuột, vậy có phải là nạn dịch hạch có liên quan đến chuột không?
Thái y cũng đang suy nghĩ vấn đề này. Anh ta đắn đo trả lời:
- Con chuột vốn không có độc, trước đây đã có người ăn thử rồi, chúng thần không nghe thấy có chuyện nhiễm bệnh. Song, bây giờ ở Sơn Tây gặp nạn đói, mấy con chuột không có thức ăn đành phải ăn xác động vật khác. Xác thối rữa sẽ sinh ra lệ khí (dịch độc, trong Đông y). Có thể là lúc ăn xác, con chuột dính phải lệ khí. Người lại ăn chuột, lệ khí đi vào từ miệng, sinh ra bệnh dịch. Đây chỉ là suy đoán của thần, chưa được chứng thực.
Ân Thừa Ngọc trầm mặc. Y nhìn sắc trời mờ tối, nói:
- Về thành trước, việc này bàn lại sau.
Đoàn người bèn mau chóng chạy về thành.
Ân Thừa Ngọc giấu giếm thân phận cho nên không đến quan thự. Bọn họ tìm một khách điếm bình dân để nghỉ tạm.
Bên trong sảnh chính của khách điếm đặt một cái bàn méo xẹo, bên trên phủ đầy bụi.
Tiết Thứ sai người lên lầu dọn dẹp phòng cho khách rồi đi ra hậu viện xem giếng. Thấy nước giếng vẫn còn trong, hắn gánh hai thùng tới phòng chứa củi nấu nước.
Vì để tiết kiệm thời gian, lần này Ân Thừa Ngọc không dẫn hạ nhân theo. Bây giờ, sinh hoạt hằng ngày của y đều do Tiết Thứ giúp đỡ.
Y đang cúi người xếp lại chăn đệm trên giường thì Tiết Thứ bưng một thau nước nóng vào, phiên dịch sau lưng hắn cầm theo một bình trà nóng.
- Khách điếm đơn sơ, để điện hạ chịu khổ rồi.
Tiết Thứ bước tới, cầm lấy chăn đệm trong tay y, phẩy vài cái rồi trải lên giường.
- Cô đâu có yếu ớt đến thế.
Ân Thừa Ngọc cởi áo ngoài, lấy khăn lau mặt.
Tiết Thứ giúp y treo áo ngoài lên, lấy một bộ quần áo sạch khác để sang bên cạnh.
Ân Thừa Ngọc đi ra sau bình phong lau người thay quần áo. Lúc y bước ra, Tiết Thứ đã sai người đưa một chén bánh bột ngô ngâm đến. Tuy không ngon gì mấy nhưng uống nước nóng hổi vào, dạ dày thoải mái hơn nhiều.
Ân Thừa Ngọc buông chén xuống, thoải mái thở ra một hơi.
Mệt mỏi khắp người dần giảm bớt. Song, nhớ tới thảm trạng ở thôn họ Vương, lòng y lại nặng trĩu khôn cùng.
Y mở cửa sổ nhìn ra đường phố tiêu điều, đoạn quay sang Tiết Thứ bên cạnh, chỉ vào cái bàn sát cửa sổ, nói:
- Ngồi đây với Cô chút đi.
Hai người đối diện nhau bên cửa sổ, không nói lời nào.
Uống hết hai chén trà nóng, Ân Thừa Ngọc mới nói:
- Thật ra biện pháp của Chu Vi Thiện rất hữu dụng, tuy nó rất thảm khốc, cũng vốn không phải ý định của lão ta nhưng có thể khống chế được dịch bệnh lây lan.
Nhớ tới nạn dịch hạch bùng phát gây thương vong nửa Đại Yến ở đời trước, trong mắt y đầy ưu phiền:
- Nếu có thể dùng người cả một tỉnh đổi lại một nửa Đại Yến, ngươi nói xem, Cô phải làm thế nào đây?
Hôm nay tận mắt nhìn thấy tình hình thảm khốc ở phủ Thái Nguyên và thôn họ Vương, y càng phải mau chóng quyết định.
Dịch bệnh mãnh liệt như thế, có thể khống chế bằng sức người sao?
Nếu như không ngăn chặn được tình hình dịch bệnh ở Sơn Tây, y nên đứng yên nhìn nạn dịch hạch tàn phá cả nửa Đại Yến hay nên làm theo Chu Vi Thiện, hi sinh Sơn Tây để cứu toàn bộ đất nước?
Lần đầu tiên, Ân Thừa Ngọc cảm thấy phân vân.
Tiết Thứ thấy được do dự trong mắt y, một lúc lâu sau hắn mới nói:
- Lựa chọn thế nào, phải dựa vào vị trí và lập trường khi ấy. Điện hạ là quân, đương nhiên phải nhìn toàn cục, bỏ qua những chi tiết nhỏ.
- Thế nhưng quá tàn nhẫn với dân chúng Sơn Tây, bọn họ vẫn còn cơ hội sống sót.
Ân Thừa Ngọc lẩm bẩm.
Đoạn, y nhìn thẳng vào Tiết Thứ:
- Nếu ngươi là bọn họ, ngươi sẽ làm gì?
Tiết Thứ lại trầm mặc. Lâu sau, hắn đáp:
- Nếu đứng ở vị trí của thần, chắc là sẽ oán hận. Có ai mà không muốn sống đâu. Không phải ai cũng chấp nhận hy sinh mạng sống mình vì người khác.
Nói đến đây, hắn ngừng lại một hồi, nhìn thẳng vào Ân Thừa Ngọc. Sau đó, hắn nói tiếp:
- Nhưng điện hạ nhân hậu, không giống Chu Vi Thiện.
Ân Thừa Ngọc cười khổ:
- Khác gì chứ? Giả dụ như đến lúc đó, Cô thật sự làm theo cách của Chu Vi Thiện thì trong mắt dân chúng Sơn Tây, có lẽ cô là lão ta thứ hai.
Tiết Thứ lắc đầu, khẳng định chắc nịch:
- Điện hạ không phải người coi dân chúng như cỏ rác, tuyệt nhiên sẽ không bỏ rơi Sơn Tây. Nếu thật sự đến lúc đó, tất cả chỉ vì để bảo vệ nhiều người hơn, là bất đắc dĩ mà thôi.
Ân Thừa Ngọc nhìn hắn. Một lúc lâu sau, y bật cười, vươn người sang nắm cằm hắn, thu hẹp khoảng cách giữa hai người:
- Cô còn không tin mình, thế mà ngươi lại tin Cô sao?
Y híp mắt, chăm chú nhìn hắn.
Tiết Thứ nhìn thẳng vào mắt y, không hề lảng tránh.
Đương nhiên là hắn tin tưởng y, bởi vì hắn từng thấy tận mắt rồi.
Y không phải thần phật, lại dùng sức mình cứu chúng sinh khỏi nơi nước sôi lửa bỏng.
Thần phật còn không từ bi, vậy tại sao phải bắt y trở thành một viên ngọc hoàn mỹ, không chút tì vết nào chứ?
- -------------------
Cún: Điện hạ, you are f**king awesome!
Domain.com đổi tên miền thành Domain.tv