Hồn Trẻ Dại - Tam Oản Quá Cương

Chương 2


Trước Tiếp
Trước Tiếp

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Trần Lâm Hổ nín thở, lấy hết sức lực như hồi lớp 3 thi nín thở với bạn để giành hộp sữa ColaCao, cố gắng sống sót thêm một lúc trong khoang xe chật hẹp này.

Ít nhất cũng phải gắng gượng thêm một trạm nữa.

Đến khi Trần Lâm Hổ nhớ ra cuộc thi năm đó kết thúc bằng thất bại thảm hại của mình, cậu lập tức thở hổn hển, trong vô thức hít mạnh vào một cái, mùi bánh bao hẹ lập tức xộc vào khoang mũi, chui vào dạ dày cậu mà quậy tưng bừng.

Thất bại thảm hại hồi lớp 3 khiến Trần Lâm Hổ mất một hộp ColaCao, còn thất bại thảm hại ở tuổi 18 khiến Trần Lâm Hổ suýt ngất xỉu trên chiếc xe buýt xa lạ.

Ông lão ngồi ghế trước hoàn toàn không biết gì về cuộc vật lộn đau đớn của hành khách phía sau mình, vẫn tiếp tục gặm chiếc bánh bao hẹ lấy ra từ túi nhựa nhàu nát, dùng ba ngón tay kéo cửa sổ xe mở ra, làn gió nóng khiến người ta không thở nổi theo cửa sổ ùa vào, lan tỏa mùi hẹ khắp các ngóc ngách trong xe.

Ông già khà khà một tiếng rõ to, rồi thở dài sườn sượt.

Trần Lâm Hổ chưa bao giờ thèm được đi tàu điện ngầm như hôm nay.

Nghe ông già thở dài xong, cậu bật dậy như lò xo. Chẳng cần biết trạm tới là đâu, cậu kéo lê cái vali chen ra cửa sau, hai chân lảo đảo vì chóng mặt đến mức suýt ngã.

May sao xe vừa dừng, chẳng cần cậu tự đi thì đã bị đám hành khách xuống xe xô đẩy theo luôn, cứ thế đẩy cậu đến tận gốc cây gần trạm nhất.

Trần Lâm Hổ vịn vào thân cây, nhìn đống bã nôn còn sót lại của vị khách say xe trước đó bên gốc, rồi nghĩ bụng: Ồ thật là chu đáo, cả cái hố để nôn cũng chọn sẵn cho mình rồi. Chỗ này quả là đất lành chim đậu, tuyệt vời ông mặt trời.

Cậu ọe một cái, nhưng chẳng nôn ra gì cả vì từ tối qua đến giờ chưa ăn miếng nào lót bụng.

Ngón tay cào mạnh vào vỏ cây thô ráp, Trần Lâm Hổ bịt miệng kéo cái vali lên. Cái vali thiếu mất một bánh xe nên cứ nghiêng ngả, kéo lê trên mặt đất tạo thành một vệt thảm hại.

Đầu óc Trần Lâm Hổ vẫn còn quay cuồng, chẳng biết xử lý thế nào cho phải.

Điện thoại trong túi quần rung lên, cậu lấy ra nhìn.

Cuộc gọi cho Lâm Hồng Ngọc lúc nãy không kết nối được. Giờ đã nửa tiếng trôi qua, cuối cùng Lâm Hồng Ngọc cũng nhắn tin WeChat: "Con trai à, lúc nãy mẹ đang họp. Mấy ngày nữa mẹ phải đi công tác nên không đưa con đến trường được. Con ở nhà ông nội ngoan nhé, mẹ về sẽ đến thăm con."

Vài giây sau, bà chuyển thêm 1000 tệ.

Trần Lâm Hổ nhìn chằm chằm vào avatar của Lâm Hồng Ngọc.

Avatar là bông hoa sen, in 4 chữ: "Tôi đã nghĩ thông".

Trần Lâm Hổ cúi xuống nhìn cái vali rách nát của mình. Mười giây sau, cậu đột ngột nhấc bổng cái vali mà Lâm Hồng Ngọc nhét đồ lung tung, rồi cắm đầu bước đi.

Cậu nghĩ mình nên lạc quan hơn một tí. Say xe là xui xẻo thật, vậy thì đừng đi xe nữa, đi bộ cũng tốt. Người ta đâu thể xui mãi được, xui đến cùng cực rồi thì sẽ phải bật lên thôi.

Vừa nghĩ đến đó, Trần Lâm Hổ bỗng đá phải một viên gạch lồi lên, ngón chân cái như thét lên trong im lặng.

Thì ra độ xui vẫn chưa tới đáy.

Cậu đứng yên tại chỗ một lúc, rồi đột ngột ném mạnh cái vali vào bồn hoa, giữa ánh mắt ngạc nhiên của người qua đường, bỏ đi không thèm ngoái đầu lại.

Đi được chừng mười mét, Trần Lâm Hổ lại quay trở lại giữa ánh mắt ngạc nhiên của người qua đường, lôi cái vali ra khỏi bồn hoa, kéo sang một bên rồi ngồi phịch xuống lề đường dành cho xe không động cơ.

Cậu lấy điện thoại ra nhắn lại: "Con biết rồi, mẹ cẩn thận nhé."

Lâm Hồng Ngọc không trả lời nữa, có lẽ phải đợi bà rảnh rỗi, có thời gian mới đọc được tin nhắn của con trai.

Trần Lâm Hổ chống hai tay ra sau, ngồi trên mặt đất bẩn thỉu ngước nhìn lên trời.

Cậu biết Lâm Hồng Ngọc về từ chuyến công tác cũng sẽ không đến Bảo Tượng thăm cậu đâu. Từ bé đến lớn, cậu đã nghe vô số lời hứa kiểu này, nhưng hầu như chẳng bao giờ đợi được Lâm Hồng Ngọc cả.

Cũng như cậu chưa bao giờ đợi được bố Trần Hưng Nghiệp vậy.

Trần Lâm Hổ nghĩ không thể trách họ được. Công việc rất quan trọng với người lớn, điều này cậu đã hiểu rõ từ khi còn đang tranh giành đồ chơi xếp hình ở mẫu giáo.

Cậu cho rằng mình không nên cướp đi thứ mà Lâm Hồng Ngọc yêu thích và coi trọng, như vậy sẽ không công bằng với người lớn. Dù sao thì ngay cả đồ chơi xếp hình cậu còn không muốn nhường cho người khác, thì người lớn tất nhiên cũng có thứ họ không muốn nhường.

Mình đúng là đứa trẻ ngoan hiểu chuyện, Trần Lâm Hổ nghĩ. Văn minh lịch sự, đúng chuẩn con nhà người ta.

Dù hiểu rõ điều đó, và cũng rất thông cảm cho Lâm Hồng Ngọc, nhưng Trần Lâm Hổ vẫn không hiểu tại sao mình lại thất vọng đến vậy.

Thất vọng khiến người ta mù mịt, Trần Lâm Hổ đã mù mịt từ mẫu giáo đến khi trưởng thành, vẫn chưa hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra.

Cậu đành trút giận lên cái vali.

Trần Lâm Hổ đá vali một cái.

Động tác rất không trưởng thành, rất không phải người lớn.

Trần Lâm Hổ đổi sang tư thế ngầu hơn, rồi đá thêm một cái nữa.

Vừa thu chân lại, một chiếc xe điện vụt qua trước mặt cậu. Người trên xe vừa đi vừa ngáp, miệng chưa kịp khép lại đã chạm mặt Trần Lâm Hổ, cả hai đều giật mình.

Chiếc xe điện chạy thêm được ba mét mới dừng lại. Trần Lâm Hổ ngồi trên lề đường, nhìn Trương Huấn chống hai chân lùi xe, từ từ quay lại trước mặt mình.

"Sao thế? Đổi chỗ phơi nắng rồi à?", Trương Huấn ngồi trên xe cúi xuống nhìn cậu, "Cũng hay đấy, có thể há miệng ra phơi, vừa được sưởi ấm vừa no bụng nhờ ăn bụi, lợi đôi đường!"

Trần Lâm Hổ nhìn chiếc xe điện cũ kỹ của anh, cái giỏ xe còn toác một lỗ to tướng, rồi hỏi: "Anh không lái xe à?"

"Có chứ.", Trương Huấn vỗ vỗ tay lái, "Xe đây này."

Trần Lâm Hổ cuối cùng cũng hiểu tại sao Đoạn Kiều nghe câu "xe đậu gần đây" lại nói lắp.

Lần đầu tiên cậu nhận ra, giữa "xe đạp điện đậu gần đây" và "xe đậu gần đây" tuy chỉ khác có mấy chữ, nhưng lại có thể tạo ra cú sốc lớn đến vậy cho người nghe.

Tiếng Trung quả là uyên thâm tinh tế.

-

Cái xe máy điện của Trương Huấn trông chẳng ra hồn gì, nhưng chạy thì nhanh như gió. Chở hai thanh niên to xác, lại còn đèo thêm cái vali in đầy dấu chân trên yên trước, mà vẫn phóng vun vút trên làn đường dành cho xe không động cơ, quả là một con ngựa sắt đáng nể.

Gió nóng hầm hập thổi qua, lâu lâu mới se se chút mát mẻ. Trần Lâm Hổ co ro hai cái chân dài ngoẵng trên yên sau, gió thổi tiếng Trương Huấn từ đằng trước vọng lại:

"Phải chi biết cậu đi đến khu tập thể Cung Văn hóa ngay từ đầu thì tốt rồi! Đi một đường cho tiện luôn, tôi đưa cậu tới tận cửa!"

Trần Lâm Hổ "ờ" một tiếng rồi im thin thít.

Trương Huấn lại nói: "Sắp tới rồi đấy! Lát nữa rẽ vào đường Lao động hơi xóc, cậu bám chặt kẻo ngã nhé!"

Trần Lâm Hổ ngó quanh một hồi mà chẳng thấy chỗ nào để bám, đành phải khoanh tay trước ngực, cố gắng giữ thăng bằng trên yên sau.

"Đèn đỏ!" Trương Huấn hô, "Giữ thăng bằng!"

Xe dừng ở ngã tư, hai người đồng loạt duỗi chân chống xuống đất, trông như đội quân đồng diễn.

Bên cạnh có cô nàng đi xe điện màu đỏ chói liếc nhìn bên này mấy cái.

"Cố lên tí nữa thôi,", Trương Huấn nói, "Rẽ thêm một ngã tư nữa, đi thêm 200 mét là tới rồi."

Trần Lâm Hổ chẳng thấy khó chịu gì cả. Cậu không muốn ngửi mùi xăng xe trong thời gian ngắn, cũng chẳng muốn xách cái vali cũ mèm lội bộ hai cây số. Trương Huấn và con ngựa sắt của anh xuất hiện quá đúng lúc.

"Ừm," Trần Lâm Hổ chống chân xuống đất, hít một hơi không khí mùa hè sảng khoái, "Cảm ơn nhé."

Trương Huấn ngoái lại nhìn, thấy Trần Lâm Hổ cao một mét tám co ro trên yên sau, hai tay khoanh trước ngực, hai chân dang rộng chống xuống đất, khiến mấy chiếc xe đạp phía sau phải tránh xa một đoạn mới dám dừng.

Ngồi trên yên sau xe máy điện mà Trần Lâm Hổ lại toát lên khí thế như ngồi ghế phụ xe hơi hạng sang. Tóc mái bị gió thổi tung lên, để lộ vết sẹo ở đuôi lông mày, khiến gương mặt cậu trông có vẻ hơi dữ dằn.

Thêm cái áo thun đen in chữ "Mãnh sĩ" to đùng trước ngực kia nữa. Trương Huấn cứ ngỡ mình như đang làm tài xế cho một tên đầu gấu nào đó vậy.

Trương Huấn không nhịn được, bật cười ha hả.

Trần Lâm Hổ nghe tiếng cười mà chẳng hiểu gì, nhưng cũng chẳng buồn hỏi.

Cậu đã tự đặt ra một quy tắc cho bản thân: có thể không nói thì đừng nói, có thể nói ít thì nói ít.

Lý do đặt ra quy tắc này cũng khá đáng buồn, phải kể từ chuyện cậu là đứa trẻ sinh non.

Như hầu hết trẻ sinh non, lúc mới chào đời Trần Lâm Hổ khá là gầy yếu. Bố cậu là Trần Hưng Nghiệp và mẹ cậu là Lâm Hồng Ngọc xót xa vô cùng. Hai vị trí thức này sau khi sinh con lại quay ra mê tín dị đoan, muốn bù đắp cho khuyết điểm bẩm sinh của con bằng cách đặt tên sao cho được các lực lượng siêu nhiên phù hộ.

Hai người vắt óc suy nghĩ, giấy nháp đặt tên viết rách ba bốn tờ to mà vẫn chưa tìm ra được cái tên nào vừa thể hiện được sức khỏe dồi dào, sự hoạt bát đáng yêu, lại vừa chứa đựng tình yêu của cha mẹ.

Mãi đến khi Lâm Hồng Ngọc nằm mơ thấy con mèo hay gặp trước cửa nhà lúc mang bầu. Tỉnh dậy, bà vẫn không quên được dáng vẻ oai phong lẫm liệt của nó khi bắt chuột, trông như hổ dữ vậy. Thế là bà quyết định đặt tên con là "Hổ".

Hồi đó Trần Hưng Nghiệp với Lâm Hồng Ngọc còn mặn nồng, cứ dính lấy nhau suốt. Ông Trần chiều vợ hết mực, không những đồng ý cái tên mộc mạc ấy, mà còn đưa cả họ của bà Lâm vào tên con.

Trần Lâm Hổ, ý nghĩa là chú hổ con khỏe mạnh của Trần Hưng Nghiệp và Lâm Hồng Ngọc.

Khi Trần Lâm Hổ mới bắt đầu học chữ, bố mẹ cứ thổi phồng cái chữ "Hổ" lên tận mây xanh. Cậu bé Trần Lâm Hổ thậm chí còn tưởng bở mình là chúa tể muôn loài, rồi đi khoe khoang nguồn gốc cái tên khắp mẫu giáo, cảm thấy thích thú vô cùng với ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người.

Mãi đến khi lên tiểu học, lần đầu học đến thành ngữ "trông mèo vẽ hổ", Trần Lâm Hổ mới như bị sét đánh, chợt tỉnh ngộ.

Chúa tể muôn loài đã ngã ngựa chỉ sau một tiết học thành ngữ.

Thậm chí nhiều năm sau đó, cứ nhớ lại những lời khoe khoang ngày xưa là Trần Lâm Hổ lại ngượng đến mất ngủ.

Từ ngày đó, Trần Lâm Hổ quyết định trở thành người ít nói làm nhiều. Trong quá trình trưởng thành, cậu tiếp xúc với quan điểm "người trưởng thành phải chín chắn, đĩnh đạc", và vì cái quá khứ đau thương kia mà thấy lời này có lý, nên âm thầm thực hiện. Dần dà, nó trở thành thói quen.

Thói quen này quả thật mang lại cho cậu không ít lợi ích. Nó giúp cậu giữ được vẻ ngoài bình tĩnh khi Trần Hưng Nghiệp và Lâm Hồng Ngọc cãi nhau, giận dỗi, thậm chí khi họ ly hôn.

Nó còn giúp cậu chiếm thế thượng phong khi đánh nhau vì ít nói nhảm.

Nhưng cũng không ít lần gây rắc rối cho cậu hồi cấp ba.

Tuy nhiên, có vẻ Trương Huấn không nằm trong số những rắc rối đó. Anh cười xong lại tiếp tục nói chuyện khác, chẳng phiền lòng khi Trần Lâm Hổ chỉ trả lời bằng những âm tiết đơn điệu.

"Mấy ngày nay trời đẹp ghê," Trương Huấn nổ máy xe điện, hai người lại đồng loạt rút chân lên, giọng anh chậm rãi vọng từ phía trước, "Thích hợp đi đến nơi mới để sống."

Khóe miệng căng thẳng của Trần Lâm Hổ giãn ra, đáp lại: "Ừm."

Đi đến nơi mới để sống.

Khu tập thể Cung Văn hóa đã có tuổi đời khá lâu, cổng chỉ là hai cánh cửa sắt như hàng rào, mở toang hoác, trước cổng có một bảo vệ đang ngồi chơi bài trên điện thoại.

Trần Lâm Hổ xách vali đi vào, ông bảo vệ ngước mắt lên cũng không thèm.

Cũng phải, người ta gọi là bảo vệ mà, chỉ cần nhìn cửa thôi, nhìn người làm gì.

Trần Lâm Hổ tự giải thích cho thông, khóe miệng hơi nhếch lên, nhưng khóe mắt lại liếc thấy Trương Huấn vẫn cưỡi xe điện, đi theo cậu vào khu tập thể.

"Cảm ơn đã cho tôi đi nhờ," khóe miệng vừa nhếch lên của Trần Lâm Hổ nhanh chóng ép xuống, "Anh về được rồi."

Trương Huấn vừa đi xe vừa nói: "Thì đang về đây còn gì?" Nói xong giơ tay lên, gọi to một tiếng, "Chú Nghiêm ơi!"

Ông bảo vệ gác cổng dời điện thoại khỏi mặt, vẫy tay chào Trương Huấn.

"Vào trong nhà đi," Trương Huấn nhìn Trần Lâm Hổ đang đứng ngẩn ra, "Nhân dân tôi đang hộ tống cậu tới tận cửa nhà đây."

Nói xong lại nhấc cái vali vừa được Trần Lâm Hổ đặt xuống lên chỗ để chân xe điện, xe sắp hết pin rồi nên Trương Huấn phải xuống xe đẩy bộ.

"Có dịch vụ lên tận nhà để báo ơn," Trần Lâm Hổ hoàn hồn, "Phục vụ tận nơi luôn à?"

"Không cần khách sáo," Trương Huấn chắp tay, "Ơn mưa móc, phải đền đáp tới chết mới thôi chứ."

Những tòa nhà trong khu tập thể vẫn là những căn nhà cũ từ những năm 90, ba dãy phía trong xây còn sớm hơn, chỉ cao có bốn tầng, hai bên trái phải mỗi bên có hai tòa nhà tập thể, ở giữa là một khoảng đất trống lớn, vài đứa trẻ con hét toáng lên chạy qua mặt Trần Lâm Hổ, đang chơi trò giả ma bắt người.

"Nhà người thân cậu ở đâu?" Trương Huấn hỏi.

"Tòa số ba..."Trần Lâm Hổ chưa nói hết câu, đã thấy ngay trước mặt, trước cửa một tiệm cắt tóc trong khu có mấy cụ già đang ngồi.

Dưới ánh nắng, một cái đầu trọc lóc như quả trứng luộc đang tỏa ra ánh sáng chói lọi.

"Ở đằng kia," Trần Lâm Hổ nói, "Cái sáng nhất ấy."

Trương Huấn nhìn theo ánh sáng một cái đã thấy ngay chủ nhà của mình đang ngồi trên ghế đẩu, vừa vuốt cái đầu trọc lóc tròn vo vừa đánh cờ nhảy với người ta.

Chưa kịp hỏi gì thêm, Trương Huấn đã nghe thấy Trần Lâm Hổ bên cạnh gọi to một tiếng: "Ông nội!"

Lão Trần tuổi cao tai đã điếc, nên Trần Lâm Hổ phải gọi đặc biệt to.

Không ngờ giọng lão Trần còn to hơn, ngẩng đầu vừa chạm mắt Trần Lâm Hổ, vỗ đùi kéo giọng đặc sệt chất giọng địa phương đáp lại: "Ối! Thằng cháu đích tôn của tôi đây rồi~"

Trương Huấn giật thót cả tim, như sét đánh ngang tai.

Lão Trần vừa gọi xong Trần Lâm Hổ, lại trông thấy Trương Huấn, bèn cất giọng ồm ồm như sấm dậy: "Ồ thầy Trương! Trên xe thầy chở đống gì thế?"

Bây giờ thì chở hành lý của cháu trai ông, trước đó còn chở cả cháu trai ông nữa đấy.

Năm nay lão Trần đã bảy mốt xuân xanh, người vẫn còn khỏe re, béo tròn. Ngoài cái tai đã lãng đến mức nói chuyện với ai cũng phải thử thách cổ họng đối phương ra thì cũng chẳng có vấn đề gì.

Chính vì thế mà Trần Lâm Hổ và Trương Huấn đành phải giương giọng gào thét, kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông nghe.

Một hồi gào thét, Trần Lâm Hổ đã dùng âm lượng cực đại để khoe khoang với tất cả mọi người, trừ ông nội, về việc cậu đã giúp đỡ người khác như thế nào. Trương Huấn cũng không kém cạnh, gầm rú cho tất cả mọi người, trừ lão Trần, biết anh đã báo đáp ân tình ra sao.

Đám ông già bà cả trước cửa tiệm cắt tóc đã bắt đầu tấm tắc khen ngợi, vậy mà lão Trần vẫn còn vểnh tai lên hỏi: "Hả? Hai đứa nói to lên chút, ai học Lôi Phong cơ?"

Trần Lâm Hổ ngậm miệng, chẳng còn can đảm để tự khoe khoang lần nữa.

Liếc nhìn Trương Huấn, trông anh vẫn bình thản như tờ, nụ cười ôn hòa vẫn treo trên môi, toát lên vẻ chín chắn điềm đạm của người trưởng thành.

Trần Lâm Hổ đang thầm phục anh, bỗng thấy ngón tay Trương Huấn đặt trên tay lái xe điện đang cào cấu một khe hở, móc đến mức dùng hết sức lực.

Lão Trần cuối cùng cũng hiểu ra nhờ lời giải thích lộn xộn của mọi người xung quanh, vỗ vai Trần Lâm Hổ mà hét lớn: "Hổ à, làm tốt lắm!"

Miệng Trần Lâm Hổ càng ngậm chặt hơn.

"Ông Trần này, cháu trai ông mấy năm không về rồi nhỉ?" Bà cụ mặc áo hồng phấn lên tiếng, "Lớn phổng phao thế này rồi! Ôi chao, vẫn là đứa trẻ tốt bụng!"

Ông già họ Trần được mấy ông bà hàng xóm nịnh nọt, lấy làm đắc ý, vuốt cái đầu hói bóng loáng mà nói to: "À, mấy năm trước bận học mà, Tết cũng chỉ có tôi qua bên đó thôi. Giờ đỗ đại học rồi, nó sẽ ở đây thường xuyên hơn!"

"Vào đại học tốt lắm, có tiền đồ đấy, vào trường nào thế?" Bà cụ nhiệt tình hỏi, "Còn nhớ bác không? Cháu cũng ít về, chắc không nhớ rồi nhỉ? Hồi cháu học tiểu học thường chơi ở đây, có lần trèo lên mái nhà rồi không xuống được, chính bác báo cho ba cháu đấy!"

Trần Lâm Hổ làm như không nghe thấy nửa sau câu nói, chỉ trả lời nửa đầu: "Đại học Sư phạm Bảo Tượng ạ."

"Ồ, sư phạm! Định làm giáo viên à? Làm giáo viên ổn áp lắm!" Một ông già gầy gò nối lời, "Nhớ chú không? Bà ấy báo cho ba cháu, còn chú dẫn ba cháu đi tìm cái thang nữa. Ôi dào, ba cháu tốc độ đúng là không tồi, vọt một cái đã lên mái nhà, tét mông cháu một trận ngay trên đó..."

Nguyên tắc sống "ít nói làm nhiều" của Trần Lâm Hổ lại một lần nữa cứu cậu, cậu làm bộ như một người câm không hiểu tiếng người.

"Tôi cũng thấy sư phạm không tồi, sau này cũng như thầy Trương, phải gọi là thầy Trần rồi," Giọng lão Trần át cả tiếng mọi người, "Nhà họ Trần chúng tôi chưa có ai làm giáo viên nhân dân cả! Tôi đã bảo các cụ rồi, thằng cháu tôi học giỏi lắm!"

Trần Lâm Hổ nói nhỏ: "Không phải giáo viên đâu, trường sư phạm có nhiều chuyên ngành, cháu không học ngành giáo dục."

"Hả?" Lão Trần ghé tai lại gần, "Mày không phải lừa đực à?"

"Cháu không theo ngành sư phạm!" Trần Lâm Hổ nâng giọng lên.

"Mày không gọi là heo á?" Lão Trần gào lên, "Bảo thế chả khác gì khuyên chó đừng ăn phân. Toàn nói nhảm! Thì mày tên là "Hổ" cơ mà!"

Đám ông già bà cả xung quanh vốn đã không hiểu tại sao sinh viên trường sư phạm lại không phải là giáo viên, giờ bị ông già họ Trần quậy một hồi, mấy người còn tỉnh táo giờ cũng lú lẫn theo.

Trần Lâm Hổ thấy mình không nên giải thích nữa: "Cứ coi là giáo viên đi vậy."

"Thấy chưa," Lão Trần vỗ đùi một cái, "Vẫn là giáo viên mà!"

Trần Lâm Hổ há miệng rồi lại ngậm.

Cũng không biết ông nội mình thực sự điếc hay chỉ nghe những gì ông thích.

"Giáo viên tương lai của nhân dân, mau xách vali vào nhà đi," Lão Trần rất hài lòng, "Để trong phòng bên cạnh ông nhé, tối nay hai ông cháu mình tâm sự."

Mấy ông bà hàng xóm khác cũng vẫy tay chào, vừa tiếp tục bàn luận về việc làm giáo viên là nghề tốt ra sao.

Trần Lâm Hổ cuối cùng cũng được giải thoát, bước đi được vài bước thì sực nhớ ra điều gì đó không đúng: "Phòng bên cạnh ông? Con không ở trên lầu sao?"

Lão Trần có địa vị không thấp trong khu tập thể này, một phần là vì ông là cư dân gạo cội của khu, sở hữu hai căn nhà trong khu. Lão Trần luôn ở tầng một có sân nhỏ, còn tầng hai ngay trên đầu trước đây đều để dành cho Trần Hưng Nghiệp và Lâm Hồng Ngọc khi họ đưa Trần Lâm Hổ về ăn Tết.

"Căn nhà trên lầu ông cho thuê rồi," Lão Trần dùng quạt vỗ vỗ bụng, "Nguyên căn tầng một là đủ cho hai ông cháu mình ở rồi."

Trần Lâm Hổ không nói gì thêm, gật đầu rồi định xách vali xuống từ xe Trương Huấn.

"Đi thôi," Trương Huấn cười hiền lành, như thể không nghe thấy, cũng không nhìn thấy những chuyện cũ của Trần Lâm Hổ bị lật lại kèm với tình huống ngượng ngùng vừa rồi, "Đã nói là có thể đưa cậu đến tận cửa mà."

"Anh ở tòa nhà số 3 à?" Trần Lâm Hổ không ngờ người này lại ở gần hơn cậu tưởng, "Đơn nguyên mấy?"

"Tôi ở ngay trên lầu cậu." Trương Huấn nói, "Cậu chủ nhà trẻ, chúng ta đi nhé?"

Con đường nhỏ trước tòa nhà số 3 có một hàng cây gầy gò trồng ở dải cây xanh bên cạnh, dưới tán cây, mảnh đất bùn được trồng đầy rau con, tận dụng từng tấc đất.

Cánh cửa lớn của tòa nhà cũ đã hỏng từ lâu, không thể đóng được, đành phải dùng một hòn đá chặn lại, quanh năm mở toang, chỉ cần chạm vào là bong tróc sắt rỉ rào rào.

"Đoạn Kiều mà biết chắc sẽ đến tận nơi cảm ơn ngay trong đêm," Trương Huấn đẩy chiếc xe đạp điện đã hết pin, nói, "Ở gần nhau như vậy, thôi thì thế này nhé, nếu cậu có việc gì thì cầm cái chổi gõ gõ trần nhà, tôi nghe thấy tiếng sẽ xuống ngay, như triệu hồi thú cưng ấy."

"Anh cứ dậm chân trên sàn, tôi coi như anh chào tôi là được." Trần Lâm Hổ nghĩ đến đôi mắt đẫm lệ và lời cảm ơn sâu sắc của Đoạn Kiều, lại nói thêm, "Không cần nói với bạn anh đâu, anh thay mặt anh ta dậm chân là được rồi."

Giọng điệu rất nặng nề, Trương Huấn vịn vào xe đạp điện nghe mà bật cười: "Được thôi, thầy Trần."

Tâm trạng đã xuống dốc của Trần Lâm Hổ càng tụt dốc không phanh khi nghe danh xưng "thầy Trần", gần đến đơn nguyên 2 thì cậu mở miệng: "Tôi là sinh viên mỹ thuật, học truyền thông kỹ thuật số, không thi đỗ ngành sư phạm, cũng không định làm giáo viên đâu."

Chuyện này cậu đã kể cho lão Trần đầu bạc nghe rồi, nhưng ông nội cậu nghe chẳng hiểu gì cả.

Thực ra cậu cũng đã kể cho bố cậu là Trần Hưng Nghiệp nghe, nhưng ông thì lại chẳng thèm nghe.

Trần Hưng Nghiệp vốn chẳng bao giờ muốn nghe bất cứ chuyện gì khiến ông cảm thấy mất mặt. Từ khi kết quả thi đại học của Trần Lâm Hổ ra lò, ông chưa bao giờ chịu nghe cậu nói quá ba phút đồng hồ. Đến khi biết Trần Lâm Hổ không chọn học lại, ba phút lại co rút thành một phút rưỡi.

Cứ co rút thế này, rồi Trần Lâm Hổ sẽ bị buộc phải triệt để thực hiện nguyên tắc sống "nói ít làm nhiều" mất thôi.

Nói xong câu đó, cảm thấy ánh mắt Trương Huấn quét qua mặt mình, Trần Lâm Hổ liền ngậm tăm. Cậu chỉ đơn giản là muốn tìm một người để nói cho hết câu này thôi, chứ chẳng nghĩ tới chuyện giải thích hay nói tiếp làm gì.

"Ờ," Trương Huấn chẳng hỏi thêm, cũng chẳng ép cậu phải tiếp tục chủ đề này, "Thực ra tôi cũng đâu phải thầy giáo gì."

Trần Lâm Hổ ngớ người: "Hả?"

"Nên cứ gọi Trương Huấn là được," đối phương cười cười, đẩy chiếc xe điện mini vào hành lang, "Chúng ta có quan hệ giao dịch thế này thì không cần xưng hô quá khách sáo đâu."

"... Đổi từ khác đi," Trần Lâm Hổ không biết tiếp lời câu đùa nhạt nhẽo này thế nào, "Gọi thế không hợp lắm."

Trương Huấn gật đầu, rất dễ thương lượng: "Quan hệ buôn bán."

Trần Lâm Hổ chịu không hiểu nổi, tại sao Trương Huấn có thể dùng ngôn từ một cách tự nhiên để khiến bầu không khí trượt dốc như núi lở, lao thẳng xuống vực thẳm như thế được.

...

Tác giả có lời muốn nói:

Chắc không còn ai nhớ ColaCao là gì.


Trước Tiếp
Trước Tiếp

Domain.com đổi tên miền thành Domain.tv

Bình luận (0)

Truyện liên quan

box-chat