Mọi Ưu Tiên Cho Em

Chương 7


Trước Tiếp
Trước Tiếp

- Nhớ là bĩnh tĩnh, tự tin, chiến thắng nhé Lam!

- Vâng ạ. - Tôi kiểm tra lại giấy tờ và hồ sơ để chắc chắn mình không bỏ quên vật dụng nào, miệng nhồm nhoàm nhai vội miếng bánh kếp bác Minh làm.

Dù đã trải qua nhiều cuộc thi năng khiếu nhưng tôi vẫn không thể kìm nén sự hồi hộp khó tả. Tôi nghiêng đầu, vén lại lọn tóc mai đang bay theo gió rồi phủi chân váy dài thật phẳng phiu. Bình minh tô điểm những quán xôi, hàng thịt trên đường, đâu đó vẫn còn lại chút vết tích của trận bóng đá vừa nổ ra như sấm trong đêm muộn. Tôi tránh được chiếc xe rửa đường vô tình chạy qua, bật cười trước tiếng kêu than của đám trẻ con vừa bị bắn lên người thứ nước máy đen ngòm, trộn lẫn cả than và đất bẩn - cái đặc trưng tạo nên nét riêng của tỉnh mỏ.

Cổng trường Hoàng Văn Thụ đông nghịt người với hàng chục màu áo sặc sỡ. May mắn làm sao, trường tôi lại được bốc trúng khi chọn địa điểm tổ chức thi. Tôi đảo mắt tìm kiếm đồng phục trường mình rồi tiến đến nhóm sử đang thảo luận rôm rả.

- Ôi em có cảm giác là nãy mẹ em phóng nhanh quá nên chữ nghĩa trong đầu em bay hết ra ngoài rồi hay sao ấy. - Trang lật vở liên tục.

Cô Yến cũng hùa theo:

- Thế thì Kiều Trang phải quay về đường mà nhặt lại xem có vớt vát được chữ nào không rồi.

Thùy Linh mút chùn chụt cốc rồng đỏ, nó khẳng định chắc nịch:

- Em chắc chắn đề năm nay sẽ vào Liên Hợp Quốc, cứ cách 3 năm lại vào quan hệ quốc tế một lần mà.

- Nhưng năm ngoái cũng vào quan hệ quốc tế mà?

- Chẳng liên quan. - Linh lườm Trang. - Qua tao xem tarot người ta bảo vào Liên Hợp Quốc.

Mọi người bắt đầu đưa ra đủ các luận điểm về những nội dung sẽ rơi vào đề. Tôi ngó quanh rồi hỏi bâng quơ:

- Tuyển mình hình như vẫn chưa đủ người đúng không cô?

Cô Yến đang mải tranh luận với Kiều Trang liền nhìn trái nhìn phải.

- À, bạn Đặng Đức đến trước em một lúc mà hình như theo tuyển Lý đi chơi rồi.

Tiếng trống tập trung vang lên từng hồi, tôi theo mọi người đi tìm chỗ, các dãy ghế đã phân chia lại màu áo đồng phục theo các hàng dọc. Có người lo lắng toát mồ hôi, có người lại điên cuồng nhẩm đi nhầm lại kiến thức. Cũng giống như bao đợt thi học sinh giỏi, mở đầu lễ khai mạc là những lời giới thiệu, phổ cập quy chế thi và mời vài bạn lên chứng minh đề thi vẫn được niêm phong.

Dẫn chương trình là một giáo viên của trường trung học phổ thông A, vì vậy tôi đã rất bất ngờ khi thầy lại mời chính học sinh của trường A để xác thực. Không chỉ vậy, lúc giơ tập đề lên toàn trường, không biết vô tình hay cố ý mà con dấu bên góc phải đã bị tay thầy che đi. Tất cả những biểu hiện kỳ lạ ấy dấy lên trong tôi một nỗi lo lắng mơ hồ.

Cuối cùng, vẫn như mọi năm, thầy tổng kết lễ khai mạc trước hàng trăm con mẳt mong chờ của những bạn trong tuyển toán:

- Đội tuyển toán không được dùng máy tính nhé!

Hàng loạt tiếng bất mãn vang lên. Trong lúc hỗn loạn, tôi đã nhìn trúng khoảnh khắc người dẫn chương trình làm gì đó với xấp đề thi, vậy là sự nghi ngờ trong tôi lại càng được đẩy lên cao hơn.

Chúng tôi được hoạt động tự do dưới sân trường khoảng nửa tiếng trước khi vào phòng thi, tôi chạy xung quanh một hồi, cuối cùng cũng tìm thấy Đức. Cậu ngồi trên ghế đá dưới cây bàng xum xuê những tán lá xanh rì, ánh mắt chăm chú nhìn vào quyển sách chi chít chữ trước mặt. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Đức mặc quần đồng phục tối màu, có lẽ là vì quy định của nhà trường. Đức vô tình ngước lên lúc tôi vẫn đang nhìn cậu ngẩn ngơ. Cậu cười, chỉ tay xuống chỗ trống cạnh mình, nụ cười ấy làm tim tôi tan chảy.

Cảm thấy không khí có phần kỳ lạ, tôi vắt óc tìm chủ đề bắt chuyện:

- Cậu có nghĩ năm nay sẽ vào Liên Hợp Quốc không?

Đức nghe thấy tiếng của tôi liền đóng sách lại, cậu cất nó vào cặp rồi đăm chiêu một lúc:

- Khả năng ấy không cao lắm. - Đức hơi ngả người, cậu vòng tay ra sau giúp tôi gỡ một lọn tóc rối. - Thường các đề thi lịch sử sẽ tránh không nhắc đến những vấn đề chính trị nhạy cảm, mà Liên Hợp Quốc hiện tại lại khá căng thẳng. Tớ nghĩ có thể sẽ vào đối ngoại Việt Mĩ đấy, năm nay kỉ niệm ngày kí kết ngoại giao mà.

Đức phân tích thuyết phục đến mức tôi vội vàng lục lại bài đó đọc ngấu đọc nghiến. Vô tình liếc mắt vào thẻ dự thi trên tay Đức, tôi reo lên:

- A! Cậu cùng phòng với tớ à?

Đức cười:

- Tớ nghe nói năm nay ban tổ chức quyết định sẽ xếp các học sinh cùng trường và giám thị từ trường khác đến để hạn chế tối đa khả năng giáo viên giúp đỡ thí sinh trường mình.

- Cậu cứ như cuốn bách khoa toàn năng ấy, hỏi gì cũng biết. - Tôi buột miệng.

Vẻ ngại ngùng của Đức đáng yêu quá đỗi.

Tôi chợt nhớ ra chuyện lúc nãy, liền kể cho Đức nghe nghi ngờ của mình. Cậu tập trung lắng nghe, ánh mắt hơi ngạc nhiên.

- Liệu tớ có nhạy cảm quá không? - Tôi hỏi.

Đức vươn tay lên, hình như cậu định véo má tôi nhưng chững lại và đổi thành vén gọn tóc mai ra sau vành tai tôi đỏ ửng.

- Tớ chỉ bất ngờ vì Lam để tâm đến những chuyện đáng ra chẳng ai quan tâm ấy thôi. - Đức cười. - Chuyện này rất đáng lưu tâm đó.

Tôi cảm thấy được đồng cảm đôi chút, tiếng chuông reo lên nhắc nhở đã đến giờ vào phòng thi, ngay khi tôi đứng dậy, Đức đột nhiên kéo tay tôi, cậu nói một câu khiến tôi phải suy ngẫm rất lâu:

- Tớ nhớ Bill Gates từng nói một câu thế này: "Thế giới này vốn dĩ không công bằng. Đừng hi vọng sẽ thay đổi được nó, hãy thích nghi với nó".

Tôi lặng người đi đôi chút, Đức giúp tôi gỡ lá bàng trên tóc, giọng nói ấm áp hệt như những tia nắng của ngàn mặt trời rực rỡ.

- Tớ thừa nhận rằng thế giới này không hề công bằng, và ta cũng khó để thay đổi được nó. Nhưng nếu... - Đức nhìn tôi. - Nhưng nếu cậu có thể bảo vệ quyền lợi của chính mình và nhiều người khác nữa, thì đừng im lặng nhé.

Tôi hoàn toàn không tin đây chỉ là một câu nói buột miệng hay vô ý.

Trong phòng thi, tôi hồi hộp bấu chặt đầu ngón tay, giám thị 1 chọn đúng tờ sơ đồ mà số báo danh của tôi ngồi ngay đầu, còn Đức lại ngồi tận cuối tổ bên kia. Trùng hợp thế nào, giám thị 2 lại chính là thầy giáo đã dẫn chương trình lúc nãy. Chúng tôi được nhắc nhở lại một lượt về quy chế, tôi nhìn thật kĩ bao đựng đề thi, khi xác nhận điều mình đang nghĩ thật sự đúng, ngón tay tôi bất giác run lên.

Trong đầu của tôi hiện lên hai luồng suy nghĩ đang điên cuồng tranh cãi.

Đây là việc mày nên làm. Bao nhiêu người, cả bản thân mày cũng đã nỗ lực rất nhiều cho kì thi này. Sẽ không công bằng nếu có những người vì đi cửa sau mà đạt giải, liệu mày có cảm thấy xấu hổ không nếu mày biết rõ mọi chuyện nhưng lại đứng im và chấp nhận?

Nhưng mày có thật sự nên làm như vậy hay không? Nếu như mày không thể chứng minh việc làm sai trái của họ thì sao? Mày đứng lên làm anh hùng để được gì? Nếu như mày không thể thắng, người phải chịu hệ quả chỉ có một mình mày, liệu có đáng hay không?

"Nếu cậu có thể bảo vệ quyền lợi của chính mình và nhiều người khác nữa, thì đừng im lặng nhé."

Đáng không? Đáng. Sự chần chừ chỉ dấy lên trong tôi vài tích tắc, tôi hít một hơi thật sâu và đứng bật dậy:

- Thưa thầy, em có thắc mắc về đề thi.

Tôi chắc chắn rằng có một sự ngạc nhiên và sợ hãi hiện lên trên khuôn mặt thầy lúc ấy. Cô giáo trường trung học phổ thông B nhìn tôi:

- Bạn có vấn đề gì về đề thi à?

Tôi cuộn chặt tay thành nắm đấm, cố điều chỉnh nhịp thở đang tăng đột ngột:

- Em cảm thấy hình như bao niêm phong đã bị mở ra ạ.

Phòng thi ngay lập tức xôn xao, ánh mắt thầy giáo găm chặt vào tôi, rồi ông ấy trấn tĩnh và lên tiếng:

- Em có biết tính nghiêm trọng của điều mình vừa nói không?

Tim tôi run lên, tôi thấy mình thở khó khăn, sự hối hận xẹt qua trong giây lát.

- Thưa thầy, em hiểu tính nghiêm trọng về điều mình vừa nói. Em dám đứng lên đây là vì em có những nghi ngờ nhất định. Tại sao thầy lại mời học sinh của trường mình để xác nhận niêm phong? Hơn nữa, em phát hiện ra góc bên phải của mã niêm phong bị rách đôi chút ạ.

Lời vừa dứt, thầy hoảng hốt nhìn xuống bao niêm phong và quan sát từng chỗ. Tôi thả lỏng vì giờ đây thái độ kỳ lạ của thầy đã khiến cả phòng phải thật sự để tâm vào điều tôi nói. Nhưng có đánh chết tôi cũng không ngờ đến mọi chuyện lại diễn biến như thế. Cô giáo trường B cũng chăm chú quan sát mã niêm phong rồi nhẹ nhàng giải thích:

- Ban nãy cô là người cầm bao đựng đề thi. Do có chút tò mò nên móng tay của cô đã quệt vào và làm rách bao đựng niêm phong. Cô có người làm chứng, người đi cùng cô lúc ấy là giáo viên của trường Hoàng Văn Thụ.

Tai tôi ù đi, tôi tưởng mình vừa bị ai đó dùng con dao sắc nhọn đâm một nhát chí mạng. Rốt cuộc thì tôi đã làm cái gì thế này?

- Tôi có thể đảm bảo với em rằng đề thi của chúng tôi được bảo mật 100%. Em nói vậy là đang phỉ báng nhà giáo và nhân cách của cá nhân tôi nói riêng trong khi em chẳng có bằng chứng gì cả. Em có biết mình vừa vu khống cho tôi vi phạm pháp luật không?

Tiếng trống báo hiệu đến giờ phát đề vang lên, thầy nhìn tôi đắc thắng:

- Đáng lẽ ra với những điều mà em vừa nói, tôi đã có thể kiện em ngay lập tức. Nhưng vì em còn nhỏ, để bảo vệ danh dự cho trường của em và tránh ảnh hưởng đến những thí sinh khác, tôi sẽ chỉ hủy bỏ tư cách thi của em. - Thầy lướt một lượt trên danh sách thi. - Số báo danh 0912 Dương Huỳnh Nguyệt Lam, mời em ra ngoài.

Tầm mắt của tôi mờ đi, tôi bỗng thấy hành động của mình thật ngu ngốc. Cuối cùng thì bao công sức của tôi cứ thế vỡ tan. Tôi làm vậy để làm gì, để được gì cơ chứ?

Ngay khi thầy chạm tay vào phần mở niêm phong và chuẩn bị xóa sạch những bằng chứng tôi tìm ra, đột nhiên phía dưới phát ra một tiếng "cạch" rất mạnh, tôi quay xuống và tưởng như mình vừa sống lại. Đức đẩy ghế đứng dậy và tiến lên bục giảng. Khi lướt qua bàn đầu, Đức nắm chặt cổ tay tôi đầy vội vã. Người thầy ngạc nhiên nhưng vẫn định tiếp tục mở lớp niêm phong. Đúng lúc ấy, bàn tay của Đức giữ thầy lại.

- Thưa thầy, em cũng có thắc mắc về tính bảo mật của đề thi.

Lúc này thầy bắt buộc phải dừng lại. Ông ta thở dài và nhìn chằm chằm vào phù hiệu của chúng tôi:

- Lại đến cậu à? Có vẻ học sinh của trường Hoàng Văn Thụ có máu làm anh hùng nhỉ?

- Thưa thầy, theo "luật pháp" mà thầy nói, thì chúng em có QUYỀN được nghi ngờ về tính bảo mật của đề thi. Nếu không đã chẳng có công đoạn cho học sinh được kiểm tra ở lễ khai mạc, đúng không thầy?

Đức từ tốn cất lên từng chữ, cậu lấy tập đề thi từ tay thầy trong ánh mắt phẫn nộ của ông ta và giơ lên cho cả phòng thấy:

- Trên bao niêm phong, góc bên phải có một dấu đỏ của sở giáo dục. Em nghi ngờ thầy đã cố tình che nó đi khi đưa lên cho toàn trường xác thực. Em khẳng định dấu đỏ này bị lệch ở hai đầu niêm phong.

Chỉ cần có vậy, cả khán phòng xôn xao hơn gấp bội, cô giáo trường B cũng để lộ vẻ hốt hoảng không thể giấu và vội vàng tiến đến để chứng thực điều Đức nói. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế.

- Bao đề thi này trước khi đến tay chúng tôi phải được trung chuyển qua vài bên trung gian, trong đó có cả giám thị trường em và ban tổ chức, em dựa vào đâu để khẳng định ngươi động vào lớp niêm phong là tôi? - Thầy gằn lên. - Khâu sản xuất đề thi không phải lúc nào cũng có thể làm việc hoàn hảo 100%, xảy ra lỗi là việc không thể tránh khỏi. Em có cần tôi phân tích những điều kiện khách quan có thể tác động đến không?

Tình thế lại lần nữa thay đổi, tôi hoảng sợ mím chặt môi, mồ hôi chảy thành dòng trên trán. Thấy Đức giữ im lặng, ông ta càng được đà:

- Em có biết mình vừa phạm phải sai lầm nghiêm trọng như thế nào không? Nếu như tôi làm căng, em sẽ bị hội đồng nhà trường phạt nặng, thậm chí là đuổi học. Rồi em định làm thế nào khi ra ngoài xã hội mà không có nổi một cái bằng cấp ba? Hóa ra trường Hoàng Văn Thụ cũng chỉ đến vậy, tôi thấy xấu hổ thay cho những nhà lãnh đạo ở trường em.

Sống mũi tôi bắt đầu cay xè. Liệu cậu ấy có bị đuổi học vì hành động ngu ngốc của tôi không? Kể cả chúng tôi có đúng đi chăng nữa thì làm cách nào mà chúng tôi chống lại được một giáo viên? Tôi chờ đợi mãi chẳng thấy Đức lên tiếng, nước mắt rơi lã chã, thấm đẫm trên giấy thi.

Tại sao cậu lại im lặng. Hãy lên tiếng đi, tớ xin cậu đấy...

- Bây giờ vì sự bốc đồng và thích thể hiện của hai bạn mà cả phòng thi bị ảnh hưởng. Tôi sẽ kiến nghị đến ban tổ chức, hai bạn chính thức bị đình chỉ thi!

- Thưa thầy... - Đức lần nữa giữ lại bàn tay của thầy. - Đúng là em và thầy sẽ phải gặp nhau ở phòng hội đồng.

Cậu thản nhiên đưa bao đề thi lên và nghiêng nó, đủ chỉ để thầy thấy. Trong một khắc, tôi thấy sắc mặt của ông ta hiện lên nỗi sợ hãi tột cùng.

- Em thừa nhận khâu in đề có thể phạm lỗi, nhưng họ sẽ không bao giờ mở lớp niêm phong ra khi đã dán nó lại.

Đức cười đắc thắng:

- Thầy đang định mở lớp niêm phong để xóa dấu vết nhưng không thành công, thầy sẽ giải thích thế nào khi ban thẩm định xác nhận bao bì đã bị mở từ trước và đề thi in rõ dấu vân tay của thầy trên đó?

Trước vẻ mặt tái mét của thầy, cậu ấy vẫn tiếp tục.

- Chúng em còn có thể lên án thầy vì thầy đã tước đoạt đi quyền lợi mà đáng ra chúng em phải có. Đây là một kì thi lớn, chúng em có quyền được kiểm tra tính công bằng của đề thi và thầy có nghĩa vụ phải thực hiện nó. Em có thể chịu trách nhiệm với những điều mà mình đang nói. Nếu em sai, hình phạt lớn nhất mà em nhận được sẽ là đuổi học. Nhưng nếu thầy sai, thưa thầy, hình phạt nhẹ nhất của thầy cũng là đi tù, đúng không ạ?

Trước Tiếp
Trước Tiếp

Domain.com đổi tên miền thành Domain.tv

Bình luận (0)

Truyện liên quan

box-chat