Quay Lại Tuổi 17 Để Cứu Rỗi Chính Mình

Chương 67


Trước Tiếp
Trước Tiếp

Tìm đến địa chỉ phòng khám tư trên phiếu kê thuốc, tôi dừng lại trước biển hiệu hồi lâu.

"Way home."

Bên trong, căn phòng im ắng không có ai. Tôi ngó nghiêng một hồi, cứ đứng trước quầy lễ tân cho đến lúc có người bước ra. Cô nhân viên mặc áo trắng vén màn che, còn ngáp một cái rõ dài.

"Chị đến khám ạ? Chị đã đặt lịch trước chưa?" Cô ta ngồi xuống ghế, không nhìn tôi mà chỉ chăm chăm vào màn hình máy tính.

"Bác sĩ Sherly có ở đây không?" Tôi dò hỏi.

"Bác sĩ vừa mới khám xong, chị ngồi đó đợi chút."

Mãi đến khoảng 30 phút sau một hồi thấp thỏm sợ sẽ đụng phải Đăng ở đây, tôi được gọi vào gặp vị bác sĩ đã đồng hành cùng anh trong suốt khoảng thời gian này.

Cô ấy vẻ ngoài khoảng chừng 50, vẻ mặt phúc hậu, dường như đã trải qua những thăng trầm sóng gió nên ánh mắt kiên định và bất khuất lạ thường. Một cảm giác như nhìn thấu hồng trần nên đọc vị bệnh nhân luôn đúng.

"Lần đầu đến London phải không?"

Tôi ngơ ngác, khẽ gật đầu, chưa kịp mở miệng thì vị bác sĩ đã dúi vào tay tôi một túi chườm ấm.

"Người châu Á sợ lạnh, thời tiết London lại thay đổi thất thường, cô bé ăn mặc phong phanh thế này, là do tự tin vào một chút hửng nắng của sáng nay sao?"

Tôi thầm nghĩ: "Vị này lại đoán mò. Sáng nay mình nằm ngất trên giường, lúc dậy thì trời đã phủ một màn sương, ai mà quan tâm là có nắng hay không?"

Thế nhưng, nhìn bàn tay đang đỏ dần lên, cùng làn khói toả ra mỗi lần nói chuyện, tôi gật gù cảm ơn Sherly. Bà ấy khá tốt bụng.

"Bác sĩ có biết bệnh nhân tên Hoàng Hải Đăng không?" Tôi từ từ hỏi.

"Hoang Hai Dang?" Sherly khó khăn phát âm theo thứ tiếng việt nửa vời của một người Anh chính gốc.

"À, đó là tên tiếng việt của anh ấy. Ở đây anh ấy tên là Dalim." Tôi chợt à lên một tiếng trong đầu.

"Ồ, đó đúng là bệnh nhân của tôi." Sherly dè chừng, dường như không muốn chia sẻ thêm.

"Trong quá trình điều trị tâm lý, cháu tin là ít nhiều bác sĩ cũng sẽ biết được về quá khứ và cuộc sống bây giờ của Dalim. Liệu anh ấy đã từng nhắc đến một cô bạn gái năm 17 tuổi chưa ạ?"

"Oh, Blue Berry girl?"

Tôi ngạc nhiên, đứng hình vài giây rồi thốt lên: "Yes, yes. That's it."

Bà bảo tôi đợi một chút. Tầm 5 phút sau, Sherly cầm theo một tập giấy đi ra, cơ mặt thả lỏng nhìn tôi với ý cười. Một tập giấy vẽ chì, chỉ loanh quanh bóng lưng một người con gái. Bên dưới là một sấp giấy ghi chú vài dòng kể những câu chuyện nhỏ, dưới nét bút nguệch ngoạc.

"Đây là một vài mẩu nhật ký thời kỳ đầu trị liệu của hai năm trước. Dalim lúc mới đến đây, vẻ mặt lạnh tanh cứng ngắt. Tôi cứ nghĩ sẽ là một cậu trai mang nhiều nỗi sầu đời và câu chuyện cũng sẽ xa vời khó tưởng tượng. Ai ngờ mọi thứ xung quanh từng câu chữ của Dalim lại bình yên, như thể rất tự hào vì khoảng thời gian hạnh phúc ấy. Hầu hết câu chuyện đều là ký ức năm cấp 2, trẻ con và thật bình dị đấy."

"Bảo cậu ấy viết nhật ký hàng ngày, mà cậu ấy nói là thời gian của cậu ấy đã dừng lại ở nhiều năm trước rồi. Nên là tất cả những gì ở đây đều viết về quá khứ. Có duy nhất tờ nhật ký hôm nay..."

Sherly dừng lại, chần chừ.

Đôi lông mày của tôi co nhẹ, đọc từng mẩu nhật ký này của anh, mọi thứ như hiện về trong tôi thêm lần nữa. Có nhiều chuyện ở cấp 2, khi mà ngày đó anh đã luôn lẽo đẽo theo sau mà tôi chẳng hề biết cũng được tiết lộ.

Năm đó tại căn-tin, có một chàng trai vốn định mua sữa việt quất rồi để vào ngăn bàn học của tôi như những câu chuyện tuổi teen khác.

"Cô ơi cho cháu 1 hộp sữa việt quất."

"Ơ Hân ơi, cô ý lấy hộp cuối khỏi tủ rồi kìa."

Bên cạnh Đăng phát ra tiếng nói lanh lảnh, Linh rướn người ngó nghiêng ở bàn thanh toán.

"Hết rồi thì thôi vậy." Tôi nhỏ giọng. Lúc đó tôi đang đứng xếp hàng sau lưng anh.

Đăng có vẻ hoảng hốt khi nghe thấy giọng tôi. Anh bảo rằng, lúc ấy vừa quay lại đằng sau liền đụng phải người tôi. Thiếu niên cao ráo sáng sủa, đáng lẽ phải lấy điểm đó làm tự tin mà cua gái, đây lại xấu hổ một tay che mặt, một tay dúi hộp sữa vào tay tôi, rồi toan chạy mất. Cũng hay ho, thời ấy tôi đã nhanh chóng kéo vạt áo anh lại, nhét vào tay anh 5 nghìn lẻ.

Cứ thế chạm mặt nhau rồi vụt qua, chỉ vì sự nhút nhát của cả hai hồi ấy.

Bác sĩ đưa tờ giấy còn mới, nói rằng đây là kết quả trị liệu của ngày hôm nay.

"That little girl came here to me." Sherly đọc lên thành lời.

"Cô gái nhỏ ấy đã đến với tôi." Tôi cũng lẩm bẩm theo, đờ đẫn trong chốc lát.

"Liệu pháp nhận thức hành vi đến tận bây giờ mới có chút tác dụng. Xem ra còn phải nhờ thêm thật nhiều vào cháu rồi. Hiện tại có liệu pháp IPT là đang tiến triển khá tốt, nhờ vậy mà rối loạn tâm lý sau chấn thương của Dalim cũng đỡ được phần nào. Chỉ còn gốc rễ là liều thuốc duy nhất, có vẻ như đã xuất hiện rồi."

IPT?

Tôi không hiểu những gì bác sĩ nói. Đến lúc ra về phải mở điện thoại lên tra. Tra xong cũng vẫn không hiểu cho lắm, đại loại là một dạng thức điều trị nhiều người cùng mắc phải vấn đề như vậy tạo thành một nhóm với nhau thì phải... Hoặc không. Tôi ngồi ở bến đỗ xe bus, thở dài thườn thượt.

Sherly đã cho tôi biết thêm được một thông tin bổ ích. Hôm nay có trận chung kết Cup FA U18 ở sân vận động Wembley, sân bóng lớn được coi là thánh địa của những trận cầu đinh. Và Đăng đã đến đó ngay sau buổi trị liệu.

Một trận bóng vé vào cũng có giá trên trời, huống gì là trận chung kết của một giải lớn như vậy. Giờ có mua vé đen cũng không kịp. Tôi đặt cho mình một chiếc taxi, rồi đến sân vận động luôn. Ngồi bến xe bus vậy thôi chứ cũng có biết cách đi xe bus bên này thế nào đâu.

Trời ơi... Tôi há hốc miệng trước sự đông nghẹt người và cảm giác hoành tráng mà nơi đây mang lại. Đến Anh nhất định phải đi xem bóng đá, quả thật là vậy.

Tôi hoà lẫn vào dòng người đông vui như trẩy hội. Hóng hớt loanh quanh khu vực checkin, không thấy Đăng đâu cả, chắc là anh đã vào bên trong rồi. Vì không có vé nên tôi ngoan ngoãn ngồi đợi ở khu ghế nghỉ chân gần đó, mở điện thoại lên trang web xem trực tuyến.

Bên trong sân đã có tín hiệu vào hiệp 1. Vì tốc độ đường truyền nên chương trình trực tiếp có diễn biến chậm hơn. Ngồi một mình trên băng ghế, thỉnh thoảng lại ngáp dài một cái, nhưng mắt thì vẫn dán chặt vào màn hình. Nói thật là từ lúc yêu Đăng, tôi cũng có xem bóng cùng với anh, nhưng để đam mê thì không thể. 

Điện thoại vang lên từ số máy quen thuộc. 

"Mày sang Anh làm cái gì thế?" Linh hét lên oang oang cả ra bên ngoài.

"Ờ...ờm." Ngắt ngứ một hồi, rồi nhìn màn hình vẫn đang dừng ở trận chung kết, tôi nói: "Đi xem bóng đá."

"Đồ điên. Về ngay, cái công ty sắp phá sản đến nơi rồi còn bóng với bánh à?" 

"Vớ vẩn. Rất may là ký ức của tao bị lẫn nhưng không ảnh hưởng gì đến kiến thức và công việc nhé. Hôm nọ tao mới ký cái báo cáo tài chính xong."

"Ờ ờ thế à?" Linh như bị bắt bài, đành ậm ừ cho qua. 

"Phó giám đốc thì tự ở nhà cai quản đi. Có mỗi cái doanh nghiệp start-up mà cũng không lo được hả?" Tôi giả vờ dè bỉu. 

"Này này. Cẩn thận cái công sức gần chục năm xây dựng của nhà ngươi tan thành mây khói trong tay bà đây nhé." Linh đe doạ.

"À tiện thể. Chị phó bắn cho ít lương tháng đi. Bên Anh đồng vào thì không có mà đồng ra thì nhiều..." 

"Còn lâu." 

Để lại cho tôi hai chữ ngắn ngủn, Linh vô tình cúp máy. 

Tôi cảm thấy mình thực sự may mắn khi bệnh tình không chuyển biến quá xấu, đến mức ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày. Tôi vẫn đi học đầy đủ, có kiến thức, làm việc như bình thường. Chỉ là không thể nhớ mặt người lạ quá lâu, vì vậy từ khi lên đại học, tôi không có nổi một người bạn thân nào. Cùng lắm chỉ là bạn xã giao, làm xong một bài tiểu luận là cũng đủ để tôi cho người ta vào dĩ vãng. 

Tôi cũng cứ tưởng chừng như mình bình thường, cho đến khi ngày nào cũng nhìn thấy những tờ giấy nhớ dán đầy trong nhà, nhắc nhở bản thân phải uống thuốc đúng giờ, đi khám đều đặn. Cũng nhờ bác sĩ luôn khẳng định rằng tôi có bệnh, tôi cần phải chữa, tôi không được phép buông thả. Và cũng nhờ cái năm ấy, chúng tôi không cố gắng lấy lại những ký ức vốn dĩ phải mất đi. 

Nên bây giờ tôi mới có thể lành lặn ngồi đây, với một não bộ hoàn toàn khởi sắc, tôi có thể tin rằng mình sẽ đạt được thứ mình muốn không? 

Trở lại với trận bóng. Vừa xuất hiện thoáng qua trên màn hình là Đăng kia mà. Anh ngồi ở vị trí khá gần với máy quay. Vẻ mặt điềm đạm, không hồ hởi, không hào hứng, đăm chiêu nhíu mày theo từng đường đưa bóng của các cầu thủ trên sân. 

Không cần biết diễn biến tiếp theo thế nào, tôi tua đi tua lại khoảnh khắc lướt qua thật nhanh vừa nãy đến mấy lần. 

Đến khoảng 6 giờ tối, khi trận bóng đã diễn ra hơn một nửa thời gian, dần đi vào những phút giây kết thúc, cơn mưa phùn đáng ghét của nước Anh lại ập đến. Con bé Hoàng Hải Anh thật biết nói phét, gì mà London đang là mùa thu, thời tiết đẹp lắm...

Tôi nhanh chóng phủi quần chạy vào mái hiên của sân vận động. Mái vòm cũng vừa được mở ra, thanh âm trong đó không vang vọng ra ngoài được nữa, nên không khí xung quanh trở nên lạnh lẽo hẳn, chỉ còn nghe tiếng mưa rơi lác đác, gió thổi rin rít, cùng tiếng bước chân nặng nhọc. 

Người đó chậm rãi lại gần, trông không có vẻ hối hả, vội vã của một người cần trú mưa. Áo phao kín mít ướt nhẹp, đội mũ len trùm kín đầu, đeo cả khẩu trang, chỉ để lộ ra đôi mắt sưng đang nheo lại, nhìn tôi chằm chằm. Cái nhìn không được thiện cảm, tôi giật mình né tránh ánh mắt. Vết sẹo dài trên trán anh ta làm tôi nơm nớp lo sợ. 

Trước Tiếp
Trước Tiếp

Domain.com đổi tên miền thành Domain.tv

Bình luận (0)

Truyện liên quan

box-chat